(HNM) - Bên cạnh các giải pháp mang tính kỹ thuật, công tác tuyên truyền, giáo dục được đặt lên hàng đầu, với biện pháp hiệu quả hơn.
Đánh giá về tình hình TTĐT năm 2013, bên cạnh những kết quả đạt được, còn không ít tồn tại, hạn chế. Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội cho biết, tình trạng lấn chiếm hè, lòng đường để kinh doanh, trông giữ phương tiện trái phép, lấn chiếm đất công vẫn diễn ra phức tạp tại một số địa bàn, làm ảnh hưởng đến văn minh đô thị, mất mỹ quan thành phố, gây bức xúc dư luận. Nhiều tụ điểm chợ cóc, chợ tạm chưa được giải tỏa hoặc có giải tỏa nhưng tái họp trở lại, không những làm xấu bộ mặt đô thị mà còn cho thấy sự vào cuộc của cơ quan quản lý chưa cao, chưa thể hiện được sự nghiêm minh trong thực thi chính sách, pháp luật.
Nghiêm túc chấp hành luật giao thông là một trong những biện pháp hữu hiệu bảo đảm an toàn giao thông. |
Bên cạnh đó, một số nội dung công tác đã được triển khai từ nhiều năm qua cũng chưa mang lại kết quả bền vững. Nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống, kinh doanh dịch vụ có điều kiện về ANTT kinh doanh quá giờ gây mất trật tự công cộng (TTCC) vẫn chưa được xử lý nghiêm. Công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm về quảng cáo, rao vặt còn hạn chế; xuất hiện trở lại tình trạng quảng cáo, rao vặt trên các tuyến phố, các trục đường chính, ngõ phố. Cử tri còn phản ánh, nhiều tuyến đường, phố, nhiều địa bàn có tiếng là được các đoàn thể nhận và gắn biển "tự quản" về TTĐT, VSMT nhưng lâu ngày không được triển khai sát sao nên bị xuống cấp, gây phản cảm... Nguyên nhân của những tồn tại một phần do ý thức của người dân chưa cao, chưa trở thành nhận thức sâu rộng, từ đó những hành vi vi phạm TTATGT, TTĐT, VSMT vẫn diễn ra nhiều mà chưa được điều chỉnh bởi chính người dân.
Để thực hiện yêu cầu của "Năm trật tự và văn minh đô thị - 2014", Ban Chỉ đạo 197 quyết liệt chỉ đạo, huy động hệ thống chính trị, tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét, bền vững về TTATGT, trật tự văn minh đô thị. Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động được coi là giải pháp tiên quyết sẽ được đổi mới nội dung, cách thức, đi trước một bước trước khi triển khai các biện pháp hành chính. Ban Chỉ đạo 197 thành phố đã giao Sở Thông tin - Truyền thông phối hợp với các cơ quan tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (CATP) cho biết, năm 2014, đơn vị sẽ phát huy hiệu quả 16 cụm loa tuyên truyền TTATGT, thường xuyên cập nhật, đổi mới nội dung sát với yêu cầu thực tế. Sở Giáo dục - Đào tạo sẽ tăng cường tuyên truyền về TTATGT, lồng ghép vào chương trình giảng dạy... Để chống tái họp chợ, Sở Công thương đã cam kết phối hợp cơ quan báo, đài hằng quý thông báo, phản ánh những việc làm được và những tồn tại trong công tác giải tỏa chợ cóc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.
Để công tác tuyên truyền sát thực tế thì cần thêm nhiều kênh, nhiều đoàn thể, tổ chức cùng tham gia. Bên cạnh các cơ quan quản lý nhà nước, MTTQ thành phố và các đoàn thể cũng cần tăng cường các hình thức tuyên truyền, lồng ghép với hoạt động của các tổ chức, gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư". Cùng với đó là nhân rộng các mô hình "hành động" để đẩy mạnh quá trình thay đổi nhận thức, hành vi của người dân như các "nhóm phụ nữ không sử dụng túi ni lông", mô hình "Liên chi bảo vệ môi trường", nhóm "Sống xanh", "Tổ phụ nữ tuyên truyền ATGT" của Hội phụ nữ hay phát huy hình thức hội thi "Nông dân với ATGT" của Hội nông dân…
Ban Chỉ đạo 197 cũng cho biết, song song với việc đẩy mạnh tuyên truyền, năm 2014, thành phố sẽ xây dựng và triển khai những chuyên đề mới, chuyên sâu, mang tính đột phá vào các lĩnh vực mà dư luận bức xúc để bảo đảm TTATXH, TTATGT, TTĐT, TTVM, VSMT. Cùng với quyết tâm của các cơ quan quản lý, công tác tuyên truyền phát huy được hiệu quả thì mục tiêu xây dựng Thủ đô văn minh, văn hiến và trật tự trị an sẽ sớm được hiện thực hóa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.