Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giáo dục trẻ: Không nên chỉ kỳ vọng, mà phải kỳ công

Vân An| 04/04/2015 20:29

(HNMO) – Những hình ảnh học sinh vừa hút shisa, vừa vô tư trả lời trải nghiệm của các em về việc này qua một chương trình của nhà đài đang gây bão dư luận, đặt ra nhu cầu thay đổi cách giáo dục lối sống, giúp trẻ tránh xa các tệ nạn xã hội. Để hiểu hơn về cách tiếp cận giáo dục tâm lý, nhân cách cho trẻ em trước những biến động của cuộc sống, phóng viên Hànộimới đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội.


Thưa ông, dư luận hiện đang ồn ào với nhiều luồng ý kiến qua việc một nhà đài vừa phát sóng một chương trình cảnh báo thực tế trào lưu hút shisa trong giới học sinh. Ông nhìn nhận sự việc này như thế nào?

Hiện nay, giới trẻ đang bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những trào lưu không lành mạnh. Do đó, việc chúng ta phát hiện, đưa tin để cảnh báo cho cộng đồng, gia đình, nhà trường… là rất đúng đắn, nhằm nhắc nhở, giúp đỡ các em tránh bị sa vào những tệ nạn đó. Tuy nhiên, chúng ta chỉ cần đưa thông tin, hình ảnh có tính chất minh họa..., chứ không nên đưa rõ hình ảnh, nhân thân của các em vì cuộc đời các em còn dài, xã hội sẽ dễ có cái nhìn thiên kiến về các em và như thế sẽ rất ảnh hưởng đến cuộc sống của các em.

Xin ông cho biết việc triển khai nhiệm vụ giáo dục nhân cách, lối sống cho học sinh trong các nhà trường và trong cộng đồng hiện nay được thực hiện như thế nào?

Các trường hiện nay đều có chương trình giáo dục phòng chống tệ nạn xã hội, kỹ năng sống, cung cấp cho các em thông tin, cách phòng tránh… Thực tế học sinh vướng vào tệ nạn đều bắt nguồn từ tâm lý thích khám phá, thích thử cái mới của các em, rồi bị bạn bè rủ rê, kích động… nên rất dễ vướng vào tệ nạn xã hội, đặc biệt trong bối cảnh xã hội vận động không ngừng như hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chủ yếu thực hiện công tác này theo hướng hành chính hóa, lo đủ bài, đủ vở cho học sinh, khác hoàn toàn với việc làm sao để đạt hiệu quả, đặc biệt là phát huy vai trò, kỹ năng của người thày trong nhiệm vụ này.

Ông cho rằng nguyên nhân sâu sa nào khiến ngày càng có nhiều trẻ vướng vào các tệ nạn xã hội?

Hiện nay, xã hội đang phát triển với rất nhiều biến động và luồng thông tin mà mỗi đứa trẻ được tiếp cận hàng ngày cũng rất nhiều, rất nhanh. Xã hội càng biến động, càng đòi hỏi con người phải thật bản lĩnh, hiểu biết mới có thể chống trả được.

Theo tôi, nguyên nhân sâu sa của việc càng ngày càng có nhiều trẻ em vướng vào tệ nạn xã hội là do giáo dục gia đình mất nề nếp, bố mẹ thiếu quan tâm đến con cái hoặc quan tâm nhưng không đúng cách. Chúng ta đừng vội đổ lỗi cho nhà trường khi con cái mình hư hỏng, bởi giáo dục gia đình là quan trọng hàng đầu, mỗi gia đình phải tự ý thức được vai trò của mình trong giáo dục trẻ.

Cùng với đó, giáo dục nhà trường của chúng ta cũng vẫn chưa hiệu quả do giáo viên yếu kiến thức về tâm lý giáo dục. Đặc biệt, giáo viên chủ nhiệm là người gần gũi nhất với các học sinh thì hiện cũng chủ yếu là kiêm nhiệm, thiếu kinh nghiệm về tâm lý giáo dục nên càng khó phát hiện các trẻ có biểu hiện lệch lạc.

Theo ông, nhà trường, gia đình nên thay đổi phương cách giáo dục như thế nào cho phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện nay?

Từ trước đến nay, chúng ta vẫn duy trì lối giáo dục là lý thuyết kết hợp với cấm đoán, coi như vậy đã là làm tròn bổn phận với trẻ. Đã đến lúc, cả gia đình lẫn nhà trường đều cần có sự thay đổi.

Về phía gia đình, bố mẹ không chỉ đặt kỳ vọng vào con mà còn phải kỳ công nuôi dạy con, không để trẻ chịu quá nhiều áp lực, giám sát các em chặt chẽ nhưng không quá cứng nhắc, dễ làm cho các em có những phản ứng tiêu cực. Muốn vậy, bố mẹ phải hiểu và lắng nghe con để tìm ra giải pháp giúp trẻ phát triển nhân cách, phải đưa ra các phương án lựa chọn cho trẻ trong các tình huống để từ đó, trẻ có sự lựa chọn đúng đắn cho mình, không cảm giác bị khiên cưỡng, ép buộc.

Về phía nhà trường, các trường không chỉ chú trọng đến nội dung giáo dục mà còn phải có phương pháp giáo dục đúng, tăng cường cho học sinh trải nghiệm thực tế cuộc sống bằng những tình huống giả định để qua đó, học sinh tự tìm ra cách giải quyết vấn đề. Các trường cũng nên nâng tầm hơn nữa vai trò của giáo viên chủ nhiệm, người sát sao nhất với từng học sinh, cho họ được hưởng định mức lao động với chức danh này để khuyến khích các thày, cô làm tốt hơn nữa công việc của mình. Ngoài ra, công tác quản lý học sinh cũng cần được tăng cường để có thể giúp sớm phát hiện những học sinh bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội.

Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục trẻ: Không nên chỉ kỳ vọng, mà phải kỳ công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.