(HNM) - Năm học 2012-2013 của ngành GD-ĐT Thủ đô đã kết thúc với những bước phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng giáo dục, tiếp tục khẳng định vị thế đầu tàu về GD-ĐT của cả nước.
Cuộc trò chuyện giữa phóng viên Báo Hànộimới với ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ làm rõ hơn những thành quả ấy, đồng thời chỉ ra những nhiệm vụ, cũng là giải pháp đột phá nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho Thủ đô và đất nước.
- Theo đánh giá chung, Giáo dục Thủ đô năm học qua đã đạt được nhiều kết quả toàn diện. Điều ấy thể hiện cụ thể như thế nào, thưa ông?
- Năm học 2012-2013 Giáo dục Thủ đô tiếp tục gặt hái được nhiều thành tích xuất sắc và toàn diện. Quy mô toàn ngành đã phát triển lên gần 2.500 cơ sở giáo dục với hơn 1,5 triệu HS. Kết quả chăm sóc trẻ mầm non và tỷ lệ xếp loại giáo dục văn hóa, đạo đức của HS các cấp học đều có tiến bộ. Tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT đạt 97,12%, là con số phản ánh thực chất chất lượng dạy - học ở các nhà trường. Việc trang bị kiến thức chấp hành pháp luật và rèn kỹ năng sống, tạo dựng nếp sống thanh lịch, văn minh tiếp tục được các nhà trường trên địa bàn Thủ đô đặc biệt quan tâm. Năm qua cũng là năm ngành GD-ĐT Thủ đô có nhiều dấu ấn về thành tích giáo dục mũi nhọn, tô thắm bảng vàng thành tích của ngành.
Nâng cao chất lượng giáo dục là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục Thủ đô trong năm học 2013-2014. Ảnh: Thái Hiền |
- Ông vừa nhắc đến dấu ấn của HS Hà Nội về kết quả thi tài ở trong nước và quốc tế?
- Đúng vậy. Năm học vừa qua Hà Nội tiếp tục là đơn vị dẫn đầu về số lượng và chất lượng giải trong kỳ thi HS giỏi THPT cấp quốc gia với 130/150 HS đoạt giải, tăng 5 giải so với năm trước. HS Hà Nội cũng giành tỷ lệ cao các giải trong bảng A của kỳ thi tiếng Anh trên internet cấp quốc gia với 3 trong số 9 HCV; 12/18 HCB, 19/36 HCĐ. Các đội tuyển dự thi Olympic khu vực và quốc tế đều có tiến bộ rõ rệt cả về số lượng và chất lượng, trong đó môn toán có 3 HCV, 2 HCB, 4 HCĐ; môn vật lý có 2 HCV, 1 HCB; môn sinh học có 1 HCĐ… Đây cũng là năm thứ hai HS Hà Nội giành thứ hạng cao tại cuộc thi khoa học và kỹ thuật quốc tế - giải tư, khơi dậy niềm tự hào cho tuổi trẻ Thủ đô, đồng thời đẩy mạnh phong trào đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng "học đi đôi với hành".
- Được biết, tại hội nghị tổng kết năm học do Bộ GD-ĐT tổ chức vừa qua, Hà Nội là đơn vị được tuyên dương về việc thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy. Việc này đã được triển khai tại các nhà trường như thế nào, thưa ông?
- Ngay từ đầu năm học, Hà Nội đã chú ý chỉ đạo, tổ chức thực hiện những điểm mới, trọng tâm của năm, trong đó đặc biệt chú ý tới việc đổi mới phương pháp giảng dạy, để học trò được chủ động tiếp cận với kiến thức và tạo ra nhiều cơ hội để HS áp dụng kiến thức đã học vào thực tế. Kết quả cuộc thi khoa học và kỹ thuật là minh chứng cho những nỗ lực của cả thầy và trò. Hà Nội cũng đang thí điểm mô hình trường học mới Việt Nam; thí điểm phương pháp "Bàn tay nặn bột" ở một số môn học cấp tiểu học. Việc đổi mới cách kiểm tra, đánh giá ở lớp 1 và một số môn khoa học xã hội ở cấp học phổ thông tiếp tục được thực hiện nghiêm túc. Ở khối đào tạo, các trường trung cấp chuyên nghiệp năm nay đã chú trọng phối hợp với các doanh nghiệp để xây dựng thêm nhiều cơ sở thực hành, thực tập, tăng cường rèn kỹ năng thực hành nghề cho HS. Đến nay, 100% các trường trung cấp chuyên nghiệp công lập, 75% các trường ngoài công lập trên địa bàn đều có cơ sở thực hành cho HS.
- Để có được hiệu quả trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, chắc hẳn không thể thiếu được vai trò của các điều kiện phục vụ dạy học?
- Ngành GD-ĐT Hà Nội luôn coi việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong suốt nhiều năm qua nhằm nâng cao chất lượng giáo dục bền vững. Hơn 32% số trường học của Hà Nội đã đạt chuẩn quốc gia, và lộ trình sẽ đạt khoảng 50 - 55% vào năm 2015, tạo thêm những môi trường sư phạm an toàn, tiện nghi, phục vụ hiệu quả cho dạy và học. Việc mở rộng quy mô trường, lớp; xây thêm phòng học cũng đã được chú trọng trong năm qua. Những nỗ lực và thành quả ấy là tiền đề để thầy và trò ngành Giáo dục Thủ đô tự tin, vững bước vào năm học mới.
- Năm học 2013-2014, Giáo dục Thủ đô sẽ tập trung vào những nhiệm vụ gì để đạt được mục tiêu đã đề ra là phát triển mạnh về quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục thực chất?
- Năm học 2013-2014, năm học bản lề thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015, thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam và hưởng ứng năm "Kỷ cương hành chính", ngoài việc đẩy mạnh cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua khác của ngành, như: "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo", "Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực"…, ngành GD-ĐT Hà Nội sẽ tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, gồm nâng cao hiệu lực công tác quản lý; nâng cao chất lượng giáo dục; phát triển đội ngũ nhà giáo và tăng nguồn lực đầu tư, đổi mới cơ chế tài chính. Quan điểm "kỷ cương trong quản lý, thực chất trong đánh giá" sẽ tiếp tục được duy trì trong mọi hoạt động của ngành. Đây cũng là năm Hà Nội sẽ tập trung triển khai hiệu quả quy hoạch mạng lưới trường, lớp đã được phê duyệt, trong đó chú trọng việc bổ sung trường học trong các khu đô thị mới, các khu tái định cư nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về học tập của con em nhân dân trên địa bàn thành phố.
- Xin cảm ơn ông!
Một số chỉ tiêu cơ bản - Tăng tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày ở tiểu học đạt 93% - Hoàn thành xây dựng 126 trường đạt chuẩn quốc gia. -100% quận, huyện, thị xã hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi, về đích sớm 1 năm so với kế hoạch của thành phố và trước 2 năm so với mục tiêu của toàn quốc. - 15 - 20% quận, huyện, thị xã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.