(HNM) - Hiện nay, tình trạng học sinh (HS) nói tục diễn ra khá phổ biến. Tại các hàng quán khu vực cạnh trường học, không khó để nhận ra một số học trò thường xuyên nói tục, chửi thề.
Không còn là cá biệt
Đề cập tới thực trạng giáo dục đạo đức nói chung trong nhà trường, TS Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác HS sinh viên, Bộ GD-ĐT thẳng thắn thừa nhận: Tình trạng HS nói tục, chửi thề, thiếu tôn trọng thầy cô, người lớn tuổi không còn là hiện tượng cá biệt.
Cách đây chưa lâu, cư dân mạng được một phen choáng váng khi xuất hiện bài văn của một HS lớp 12, với những từ ngữ khiến người đọc phải đỏ mặt nhằm biện minh cho quan điểm “ai mà chẳng chửi bậy”. Với đề bài: “Em hãy trình bày suy nghĩ của em về hiện tượng nói tục, chửi bậy trong trường học hiện nay”, tác giả bài văn không chỉ viện dẫn những tình huống, câu nói để minh chứng cho việc nói bậy là chuyện thường thấy của HS ở nhiều nơi, mà còn viết: “Mình cũng hay nói bậy lắm... Trường hợp nào chúng ta cũng có thể nói bậy. Cơ bản vì nó ăn sâu vào máu rồi”.
Xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch cho học sinh cần sự chung sức của cả cộng đồng. Ảnh: Sơn Hà |
Dạo quanh các cổng trường vào giờ tan học, ghé qua các quán cóc vỉa hè hoặc truy cập vào các diễn đàn của HS trên mạng, không khó để thấy những lời thô lỗ, bậy bạ. Ngay với HS nhỏ tuổi, tình trạng này cũng không phải là hiếm.
Sau vài lần bí mật xâm nhập vào nhóm của các con trên mạng, một phụ huynh HS lớp 8 của trường THCS ở quận Hoàn Kiếm đã khiến không ít ông bố, bà mẹ trong lớp bất ngờ, hốt hoảng khi tường thuật lại lời lẽ của các con trong chủ đề bình luận về bạn nữ và những điều nhạy cảm…
Ông Nguyễn Hiệp Thống - nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, tình trạng HS nói tục, chửi thề không phải là chuyện nhỏ. Hà Nội đã có nhiều giải pháp chỉ đạo các nhà trường kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn và định hướng HS về vấn đề ăn nói, ứng xử với bạn bè, thầy cô, người lớn. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hiện tượng này vẫn chưa chấm dứt.
Cần có “ba nhà”
Nội quy trường học nào cũng có điều khoản HS không được nói tục, nhưng trong thực tế, các biện pháp quản lý, giám sát và xử lý HS vi phạm đều chưa mang lại hiệu quả. Thông tư 08/TT của Bộ GD-ĐT ban hành ngày 21-3-1988 về khen thưởng và thi hành kỷ luật đối với HS có quy định: HS nói năng thô tục sẽ bị khiển trách. Dù được cho là mức hình phạt quá nhẹ, song, dường như ở các nhà trường chưa thấy có HS nào bị khiển trách vì nói bậy.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, con trẻ nói bậy do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do bắt chước người lớn. Cha mẹ thường xuyên nói bậy trước mặt con thì sẽ dễ khiến con trẻ học theo. Khi ra chợ, trên đường phố, vào hàng quán, con trẻ cũng thường xuyên được nghe những lời nói chưa đẹp, lâu dần thành quen.
Rõ ràng, đã tới lúc cha mẹ, người lớn, các thầy cô giáo cần có thái độ và giải pháp nghiêm khắc, quyết liệt hơn với tình trạng nói tục, chửi bậy, coi đây là một đầu việc quan trọng và cấp thiết tương đương với việc “dạy chữ”. Ngoài ra, chính mỗi người lớn cũng cần thể hiện sự gương mẫu trong lời ăn tiếng nói, cách ứng xử, nhằm tạo ra sự tác động đủ làm thay đổi nhận thức của con trẻ về nếp sống văn hóa.
Năm 2015, UBND TP Hà Nội đã có kế hoạch kiểm tra, xử lý nhằm hạn chế những hành vi thiếu văn hóa trong cộng đồng và trường học, trong đó có chuyện nói tục, chửi bậy. Trong Ngành Giáo dục, việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử đã được triển khai với những quy định cụ thể về giao tiếp, ứng xử của HS. Riêng với các trường học trên địa bàn thành phố, việc giảng dạy đại trà bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch cho HS” đã thực hiện được 5 năm.
Cho đến nay, Hà Nội vẫn là địa phương duy nhất đưa vào giảng dạy tại các nhà trường bộ tài liệu này, được Bộ GD-ĐT đánh giá cao. Tùy theo lứa tuổi, mỗi biểu hiện hành vi các em được học có nhiều cấp độ. Ở cấp tiểu học, HS được chỉ dẫn thực hiện các hành vi cụ thể về cách ăn, mặc, nghe, nói… ở mức sơ đẳng; đến cấp THPT, các em được trang bị kỹ năng giao tiếp, ứng xử thanh lịch văn minh.
Theo cô giáo Nguyễn Phương Anh, Trường THPT Đông Anh, chỉ có sự chung tay của “ba nhà” là nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục, giúp trẻ hình thành thói quen ứng xử văn minh thì mới có thể tạo nên những chuyển biến bền vững...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.