(HNMO) - Ngày 10-6, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm triển khai thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2016-2020.
Khởi sắc toàn diện về quy mô trường, lớp và chất lượng chăm sóc trẻ
Thành phố Hà Nội hiện có 1.140 trường mầm non, trong đó có 787 trường mầm non công lập, còn lại là trường ngoài công lập. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên mầm non là 53.000 người với tỷ lệ 100% có trình độ đào tạo đạt chuẩn; tỷ lệ trên chuẩn ở cán bộ quản lý đạt gần 91%, giáo viên đạt 63,5%.
Một trong những kết quả nổi bật của ngành Giáo dục mầm non thành phố Hà Nội trong giai đoạn 2016-2020 là sự khởi sắc toàn diện về quy mô trường, lớp và chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh, đồng thời huy động ngày càng nhiều tỷ lệ trẻ trong độ tuổi ra lớp. Tổng số trẻ được huy động ra lớp tại các trường mầm non đạt gần 540.000 trẻ, trong đó tỷ lệ trẻ nhà trẻ đi học đạt 43,1%, tỷ lệ trẻ mẫu giáo đi học đạt 99%, trẻ 5 tuổi đi học đạt 100%.
Bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, nhận định: Sau 5 năm triển khai thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, 100% trường, lớp mầm non ở các loại hình đã có sự thay đổi toàn diện; chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ ngày càng được nâng cao.
Toàn thành phố xây mới, cải tạo 537 trường; thành lập mới 71 trường. 501 trường mầm non đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 482 trường mầm non công lập đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 61%. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có 7 trường mầm non công lập chất lượng cao.
Đáng chú ý, ngành Giáo dục mầm non Hà Nội còn làm điểm cho Bộ Giáo dục và Đào tạo về mô hình “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” và mô hình “Thư viện trường mầm non dựa vào cộng đồng, thư viện mở”.
Mầm non ngoại thành bứt phá
Các ý kiến tham luận tại hội nghị đều thống nhất nhận định: Sau 5 năm triển khai thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, hệ thống trường, lớp mầm non của Hà Nội đã phát triển toàn diện cả về quy mô và chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Điểm nhấn đáng chú ý là sự quan tâm, đầu tư của ngành, của chính quyền địa phương đã giúp các trường mầm non khu vực ngoại thành có sự khởi sắc rõ nét, tạo môi trường giáo dục bình đẳng cho trẻ sinh sống ở các địa bàn còn khó khăn.
Quốc Oai là một địa phương đi đầu. Bà Nguyễn Thị Hồng Hợi, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quốc Oai, cho biết: Các trường mầm non trên địa bàn huyện có sự “thay da, đổi thịt” rõ rệt. Với việc tập trung cải tạo cơ sở vật chất, từ một đơn vị có tới 11 trường mầm non có từ 4 điểm lẻ trở lên, thì nay toàn huyện chỉ có 4 trường còn điểm lẻ; 17/26 trường mầm non đã được quy hoạch với diện tích đất từ 6.000 đến 10.000 mét vuông, bảo đảm đáp ứng có chất lượng cho việc chăm sóc, giáo dục trẻ. Nếu như 5 năm trước, tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia của huyện chỉ đạt 23%, thì đến nay đã đạt 61%. Huyện đang phấn đấu nâng tỷ lệ này lên 70% vào cuối năm nay. Những kết quả này đang tạo đà cho giáo dục mầm non của huyện Quốc Oai tiếp tục phát triển.
Còn bà Nguyễn Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Sở, huyện Hoài Đức, chia sẻ: Thành lập từ năm 1966, cơ sở vật chất của nhà trường đã có nhiều hạng mục xuống cấp. Những năm gần đây, nhận được được sự quan tâm sát sao của lãnh đạo huyện, sự đồng hành của nhân dân, sự nỗ lực của tập thể nhà trường và cách thức đầu tư từng bước, đến nay, trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Với mục tiêu lấy trẻ làm trung tâm, trường tập trung xây dựng nhiều không gian trải nghiệm cho trẻ, như mở rộng khu thể chất, tạo sân chơi, thảm cỏ, trồng cây xanh, vườn thuốc nam, tạo dựng khu chợ quê, khu chăn nuôi gia cầm...
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao ngành Giáo dục Hà Nội trong việc thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, trong đó tập trung vào việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, tạo môi trường học tập cho trẻ về không gian, kiến trúc xanh - sạch - đẹp - an toàn - thân thiện. Đây là hướng đi đúng của nền giáo dục hiện đại.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, để phát huy kết quả đạt được, ngành Giáo dục Hà Nội cần tập trung nâng cao chất lượng cán bộ quản lý, giáo viên tâm huyết, sáng tạo, không chỉ giỏi về chuyên môn, mà còn có năng lực đánh giá khả năng phát triển của trẻ, từ đó triển khai được các phương pháp chăm sóc và giáo dục phù hợp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.