(HNM) - Năm học 2010-2011 là năm đầu tiên cả nước thực hiện đề án phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015. Thời điểm này, dù chưa kết thúc học kỳ I, song việc triển khai tại một số địa phương đang khiến dư luận không khỏi lo lắng, trong đó đáng chú ý nhất là việc ưu tiên cho trẻ 5 tuổi mà bỏ quên trẻ ở lứa tuổi nhỏ hơn.
Một giờ tập vẽ của các bé Trường Mầm non B, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: Linh Tâm |
Số trẻ 3-4 tuổi ra lớp tăng
Với quan điểm thực hiện vững chắc đề án phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi ngay từ giai đoạn đầu, mùa tuyển sinh năm học 2010-2011, Sở GD-ĐT Hà Nội đã chỉ đạo 100% các trường công lập ưu tiên nhận trẻ 5 tuổi trên địa bàn có nguyện vọng vào học tại trường, đồng thời duy trì, giữ vững và phát triển số trẻ dưới 5 tuổi. Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng GDMN (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết: Trong bối cảnh các trường công lập hiện nay của Hà Nội chưa thể đáp ứng được nhu cầu gửi con của tất cả phụ huynh, thì việc định hướng tuyển sinh này đã đáp ứng được nhu cầu phổ cập cho trẻ 5 tuổi, đồng thời giúp cho các nhà trường có căn cứ tuyển sinh công khai, rõ ràng, tránh bức xúc.
Theo bà Hương, nếu như việc thực hiện phổ cập tiểu học kéo dài tới 5 năm, thì với mầm non, quãng thời gian đó chỉ là 1 năm học với 9 tháng, vì vậy đòi hỏi ngành GD phải có những quyết sách phù hợp, đúng đắn, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho trẻ. Việc chỉ đạo các trường công lập ưu tiên nhận trẻ 5 tuổi căn cứ theo 4 điều kiện, bảo đảm cho trẻ phát triển tốt nhất theo đúng tinh thần của đề án: thứ nhất, trường công lập có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho dạy và học; thứ hai, đây là các trường đã thực hiện theo chương trình GDMN mới của Bộ GD-ĐT; thứ ba, có đội ngũ giáo viên được bồi dưỡng dạy theo chương trình GDMN mới; thứ tư, chỉ ở trường công lập, trẻ mới được hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ. Theo đó, mỗi trẻ mầm non theo học ở các trường công lập hiện nay được cấp định mức 2 triệu đồng/trẻ/năm học và sẽ tăng lên 3,4 triệu đồng/trẻ/năm học từ năm 2011. Đây được coi là một trong những yếu tố quan trọng để mọi trẻ 5 tuổi khi theo học trường công lập đều được quan tâm, chăm sóc công bằng và có những điều kiện thuận lợi tối đa để phát triển.
Dù dành nhiều ưu ái cho trẻ 5 tuổi trên địa bàn TP, song số lượng trẻ ở độ tuổi 3-4 ra lớp trong năm học 2010-2011 vẫn không bị ảnh hưởng, mà trái lại, còn tăng so với cùng kỳ năm học trước. Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, tính đến ngày 15-12-2010, số trẻ 3-4 tuổi ra lớp đạt 188.378 trẻ, chiếm 83,1% so với tổng số trẻ trong độ tuổi. So với cùng kỳ năm học 2009-2010, số trẻ 3-4 tuổi được huy động ra lớp tăng hơn 28.000 trẻ.
Tạo điều kiện để mọi trẻ đều có chỗ học
Chủ trương tạo điều kiện tốt nhất để mọi trẻ đều có chỗ học được thể hiện ở nhiều giải pháp thiết thực của lãnh đạo TP và ngành GD vài năm trở lại đây. Minh chứng cho điều ấy là quy mô GDMN năm học này đã tăng gần 40 trường, dành hơn 3.000 tỷ đồng để thực hiện đề án phát triển GDMN với mục tiêu mỗi xã, phường có ít nhất 1-2 trường mầm non công lập; xây mới gần 900 phòng học với kinh phí 1.400 tỷ đồng. Ngoài ra còn hàng loạt các dự án khác đang được triển khai, như gom điểm lẻ, khu trung tâm không đủ điều kiện; thay thế hoàn toàn số phòng học cấp 4 còn lại của ngành học mầm non… Những nỗ lực ấy đã tạo điều kiện để gần 335.000 trẻ mầm non được chăm sóc, giáo dục tại 837 trường mầm non trên địa bàn TP, trong đó, tỷ lệ trẻ đến lớp đạt gần 25%, với trẻ mẫu giáo đạt hơn 88%, trẻ 5 tuổi đạt 99,4%.
Chủ trương ấy còn thể hiện ở việc khi thực hiện Luật Giáo dục, với những đặc thù riêng, từ năm 2008 tới nay, Hà Nội đã được phép chuyển hơn 500 trường mầm non bán công sang mô hình công lập (trong khi nếu theo đúng luật thì phải chuyển thành tư thục). Vì thế, tỷ lệ trẻ theo học tại các cơ sở GDMN công lập trên địa bàn TP hiện nay chiếm tới 85%. Chủ trương này rõ ràng đã đỡ được gánh nặng lớn cho nhiều người dân, nhất là những người thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn không phải chịu mức đóng góp quá sức khi cho con theo học ở trường ngoài công lập.
Cùng với việc chuyển đổi loại hình trường, trong năm học 2009-2010 và nửa đầu năm học 2010-2011, nhiều trường mầm non công lập trên địa bàn TP đã chủ động tách trường, vừa tạo thêm chỗ học cho trẻ trong hệ thống trường công lập, vừa để việc đưa, đón trẻ của phụ huynh thuận tiện hơn. Tiêu biểu là huyện Thanh Trì với Trường Mầm non Tam Hiệp tách làm ba, các trường mầm non Liên Ninh, Thanh Liệt, Tứ Hiệp, tách làm hai.
Việc phát triển hệ thống trường ngoài công lập theo chủ trương xã hội hóa cũng được Hà Nội chú trọng trong những năm gần đây. Theo đó, toàn TP đã có 161 trường ngoài công lập, đều được thẩm định, đủ điều kiện dạy, học và bảo đảm an toàn cho trẻ; có gần 80% trong tổng số hơn 10.000 nhóm lớp đã được cấp phép hoạt động. Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, để tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ, quan điểm của ngành là tăng cường quản lý cơ sở GDMN ngoài công lập với mục tiêu rút ngắn dần khoảng cách giữa các trường công lập và ngoài công lập. Việc quản lý đối với các cơ sở GDMN ngoài công lập đã và đang được triển khai theo hướng khuyến khích phát triển loại hình trường, hạn chế tổ chức các nhóm, lớp nhỏ lẻ đồng thời huy động sự chung tay của chính quyền và chính phụ huynh HS.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.