Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giáo dục - đào tạo Hà Nội: Nhân rộng gương tốt làm theo lời Bác

Thống Nhất| 04/03/2010 06:35

(HNM) - Theo đánh giá của lãnh đạo ngành GD-ĐT Hà Nội, sau gần 3 năm triển khai, cuộc vận động

Cô và trò Trường THCS Thành Công (quận Ba Đình) quyên góp ủng hộ các bạn có hoàn cảnh khó khăn hưởng ứng CVĐ “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Ảnh: Nguyệt Ánh


Thêm nhiều giờ học hay về gương sáng Bác Hồ
Ít thấy ở hội thi nào, những câu chuyện về đạo đức, lối sống của Bác Hồ lại được tái hiện sâu sắc và gây ấn tượng mạnh với học sinh (HS) đến thế - đó là nhận xét chung của các thành viên Ban Giám khảo Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố với chuyên đề "Giáo dục đạo đức theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" vừa diễn ra trong những ngày giáp Tết Canh Dần. Các giờ dạy được ghi hình lại để các đồng nghiệp dùng làm tư liệu xây dựng giáo án, triển khai các bài dạy hay nhằm nhân rộng khắp các trường học ở Thủ đô.

Để có được những tiết dạy hay ấy, hơn 2 năm qua, cán bộ, giáo viên ngành GD-ĐT Hà Nội đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu, biên soạn thành công bộ tài liệu để triển khai dạy tích hợp nội dung giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh ở một số môn học như giáo dục công dân, ngữ văn, lịch sử và hoạt động ngoại khóa... Sau khi thí điểm thành công, nhận thấy hiệu quả thiết thực trong việc giáo dục đạo đức, nhân cách cho HS, năm học 2009-2010, Hà Nội đã triển khai rộng rãi việc dạy tích hợp nội dung này ở môn giáo dục công dân tại tất cả các trường THCS, THPT trên địa bàn. Cấu trúc chung của các tiết dạy là tái hiện cho HS những câu chuyện về Bác, tạo điều kiện và khuyến khích các em liên hệ với thực tế, xem mình đã làm được gì, nên rút kinh nghiệm như thế nào để không chỉ "học tập" mà còn "làm theo" gương Bác. Theo đánh giá của các thầy, cô giáo trực tiếp đứng lớp, cách làm ấy đã tác động tích cực tới việc định hướng hành vi của HS, giúp các em biết sống có ích, có trách nhiệm với bản thân và xã hội. Với kết quả ấy, Hà Nội hiện là địa phương đầu tiên trên cả nước biên soạn thành công bộ tài liệu và thiết kế giáo án mẫu để triển khai dạy tích hợp nội dung giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh ở một số môn học trong nhà trường.

Học và làm theo gương Bác
Còn nhớ, gần 1 năm sau khi triển khai cuộc vận động, trong một buổi làm việc với ngành GD-ĐT Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đặc biệt nhấn mạnh vai trò của thầy giáo, cô giáo trong việc làm gương để học trò noi theo. Yêu cầu ấy đã được cụ thể hóa trong việc triển khai cuộc vận động "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" và trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Theo đánh giá của ông Nguyễn Viết Cẩn, Chủ tịch Công đoàn ngành GD-ĐT Hà Nội, cuộc vận động đang ngày càng có tác động tích cực, tạo nên những chuyển biến rõ rệt và toàn diện ở mọi cấp học.

Câu chuyện của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà, Trường THCS Trưng Vương là minh chứng cụ thể cho điều ấy. Chỉ một ngày sau khi học xong bài "Tình thương bao la của Bác" - tiết dạy từng được làm mẫu để nhân rộng ở các trường học trên địa bàn thành phố, trên bàn của cô giáo Hà xuất hiện một con lợn đất. Đó là con lợn mà HS của cô tự bảo nhau "nuôi" bằng tiền tiết kiệm của các em để giúp đỡ bạn nghèo. Rõ ràng, bài học của cô đã khiến các em biết cảm thông và sẻ chia. Còn Trường THPT Nguyễn Gia Thiều lại phát động mỗi thầy giáo, cô giáo noi theo một phẩm chất của Bác để dần hoàn thiện mình; các trường tiểu học, THCS trên địa bàn quận Hoàng Mai duy trì hiệu quả việc tổ chức kể chuyện làm theo gương Bác dưới cờ vào ngày thứ hai đầu tuần trong suốt gần 3 năm qua.

Từ tấm gương thầy giáo, cô giáo mẫu mực, mỗi học kỳ, mỗi năm học trôi qua lại có thêm nhiều tấm gương học trò không chỉ học giỏi, mà còn biết vượt lên khó khăn và trung thực, thật thà. Tiêu biểu là em Nguyễn Thị Bích Hường - THCS Mỹ Lương (Chương Mỹ) 6 năm liền là HS giỏi dù nhà rất nghèo, bố mất sớm, anh trai bị bệnh. Đó là Nguyễn Thị Thu Nhài - THPT Phan Huy Chú (Thạch Thất) mồ côi mẹ, 2 em còn nhỏ, vừa đi học vừa đi làm thêm để trang trải cho gia đình; là Lê Thị Hải Yến - THCS Phương Trung 1 (Thanh Oai) bố bị nhiễm chất độc da cam, mẹ thường xuyên đau ốm nhưng em vẫn gắng sức đạt danh hiệu học sinh giỏi 5 năm liền. Em Nguyễn Đình Thắng - Tiểu học Đốc Tín (Mỹ Đức) biết chở đồ giúp người già, từng được Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khen thưởng; Lê Ngọc Gia - THCS Đặng Xá (Gia Lâm) vừa được Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội tặng giấy khen vì sự trung thực, thật thà khi nhặt được của rơi trả người đánh mất...

Không chỉ "học tập", mà còn "làm theo" gương Bác một cách thiết thực, những tấm gương tiêu biểu của thầy, trò ngành GD-ĐT Thủ đô đang ngày càng tỏa sáng, góp phần tạo thêm động lực cho một cuộc vận động giàu ý nghĩa nhân văn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục - đào tạo Hà Nội: Nhân rộng gương tốt làm theo lời Bác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.