Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giáo dục đại học: Làm gì để có chất lượng?

Quỳnh Phạm| 26/04/2010 06:55

(HNM) - Kết quả giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục ĐH" đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận cuối tuần qua.

Đoàn giám sát đã đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành xem xét điều chỉnh quy hoạch mạng lưới và điều lệ các trường ĐH để các tiêu chí, điều kiện thành lập trường, mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2010-2020 mang tính khả thi và thực tiễn hơn...

Dạy 1.000 tiết/năm

Theo đoàn giám sát, việc thành lập trường chưa căn cứ đầy đủ vào nhu cầu về nhân lực cũng như khả năng đầu tư của cả nước và từng địa phương, chưa gắn với việc nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo. Việc triển khai quy hoạch mạng lưới giáo dục ĐH chưa bảo đảm đầy đủ các yêu cầu. Đặc biệt, quy mô đào tạo hiện nay đã vượt xa năng lực đào tạo. Từ năm 1987 đến 2009 số SV tăng 13 lần nhưng số giảng viên chỉ tăng 3 lần. Sự thiếu hụt giảng viên dẫn tới tình trạng có người dạy tới... 1.000 tiết/năm, trong khi chuẩn quy định là 260 tiết/năm.

Giờ thực hành của sinh viên Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Ảnh: Phương An

Băn khoăn về quy hoạch mạng lưới ĐH hiện nay, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật QH Nguyễn Văn Thuận cho rằng cần phải đánh giá lại việc này. Đến nay, đã có 40/63 tỉnh, thành có trường ĐH (đạt tỷ lệ 63%) và 62/63 tỉnh, thành có ít nhất một trường ĐH hoặc CĐ, đạt tỷ lệ 98%. Phải chăng chúng ta đang tiến tới mỗi tỉnh có một trường ĐH chứ không phải là quy hoạch theo vùng?

Mổ xẻ nguyên nhân các bất cập nói trên, GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng - Phó Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội nhận định, 5 năm gần đây, việc cho phép thành lập mới các trường CĐ, ĐH có phần dễ dãi, trong khi các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và đội ngũ giảng viên không bảo đảm. Nhiều trường chưa có đất đai, địa điểm, cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giảng viên nhưng đã được tuyển sinh và tổ chức đào tạo. Đến nay vẫn còn khoảng 20% trường mới thành lập, nâng cấp, chưa thực hiện xây dựng tại địa điểm đăng ký, còn phải thuê mướn cơ sở để tổ chức đào tạo. Tại Hà Nội, một trường ĐH dân lập chỉ có trên 50 giảng viên cơ hữu mà mở tới 15 ngành đào tạo, tức là trung bình mỗi ngành có chưa tới 4 giảng viên cơ hữu.

Hạn chế mở rộng để bảo đảm chất lượng

Những bất cập này đã khiến cho chất lượng đào tạo bị ảnh hưởng. Phần lớn SV ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, chưa tiếp cận được với trình độ tiên tiến trong khu vực. Có tới 50% SV ra trường không có việc làm đúng chuyên môn. Chất lượng đầu ra thấp có nguyên do đầu vào không cao, ít tính sàng lọc, chỉ tiêu tuyển sinh một số trường nhiều khi cao hơn số thi vào. Với các đối tượng ưu tiên, do được cộng tối đa tới 3,5 điểm nên điểm trúng tuyển có khi chỉ là 9-10 điểm. Phần lớn các trường ngoài công lập, trường "quốc tế" đều tuyển sinh với điểm chuẩn sát điểm sàn.

Đào tạo nghề cho sinh viên tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Trung Kiên

Về phương pháp giảng dạy, GS Đào Trọng Thi cho rằng ngay cả ở bậc ĐH và sau ĐH, phương pháp chủ yếu của giáo viên vẫn là thuyết trình, áp đặt. Bên cạnh đó, tỷ lệ SV tốt nghiệp và đạt loại giỏi quá cao, chưa phản ánh đúng thực chất chất lượng đào tạo, thể hiện việc kiểm tra, đánh giá còn chưa khoa học, nghiêm túc.

Tiếp thu ý kiến đóng góp về khía cạnh chất lượng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, trong một thời gian dài Bộ GD-ĐT không quy định các trường phải nghiên cứu nhu cầu người sử dụng và công bố tốt nghiệp ngành này phải có những kỹ năng gì, có thể làm ở đâu… Từ 2 năm trở lại đây, Bộ mới yêu cầu các trường phải công bố chuẩn đầu ra.

Để bảo đảm chất lượng, "linh hồn" của GD-ĐT các thành viên đoàn giám sát thống nhất ý kiến: Cần hạn chế mở rộng quy mô đào tạo không chính quy, đẩy nhanh tiến độ kiểm định chất lượng các trường ĐH, CĐ và công khai kết quả kiểm định, làm cơ sở để phân loại chất lượng các trường. Các trường không thực hiện đúng cam kết thành lập, đặc biệt đối với các trường ngoài công lập đã thành lập được hơn 10 năm nay vẫn chưa xây dựng cơ sở riêng cần được xử lý nghiêm khắc, giải thể hoặc hạ cấp.

Đồng thời, để tháo gỡ một phần khó khăn, vướng mắc về cơ chế nhằm đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội sớm xây dựng Luật Giáo dục ĐH và sửa đổi, bổ sung một số điều khoản trong các đạo luật khác có liên quan đến giáo dục ĐH.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục đại học: Làm gì để có chất lượng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.