Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giáo dục đại học: Đặt chất lượng lên hàng đầu

Thành Tâm| 08/06/2010 06:18

(HNM) - Vấn đề giáo dục đại học (GDĐH) có tính xã hội rộng khắp, luôn được cử tri đặc biệt quan tâm. Chính vì vậy, tại kỳ họp lần này, phần thảo luận về kết quả giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với GDĐH" được Quốc hội dành nhiều thời gian tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến và được truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.

Tại diễn đàn Quốc hội, bám sát vào báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến sâu sát...

Trường nhiều, nhưng chất lượng chưa cao

Qua thảo luận, các đại biểu đều cho rằng không thể phủ nhận những kết quả đã đạt được trong chiến lược phát triển giáo dục bậc ĐH ở nước ta. Số lượng trường ĐH, CĐ ở các vùng khó khăn đã được tăng lên, tạo điều kiện cho con em các tầng lớp nhân dân địa phương, con em người nghèo, miền núi, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận với GDĐH.

Sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) thực hành trên máy tại Phòng thí nghiệm ngôn ngữ. Ảnh: Bùi Tuấn

Tuy nhiên, vấn đề thực hiện quy hoạch phát triển các trường ĐH chưa thực sự như mong muốn. Bộ GD-ĐT chưa có hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương lập quy hoạch phát triển các cơ sở GDĐH phù hợp với quy hoạch chung của Chính phủ; chưa có quy hoạch cụ thể các cơ sở GDĐH trong các vùng miền như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long. Các trường ĐH, CĐ nói chung cũng như số trường mới được thành lập, nâng cấp vẫn tập trung chủ yếu ở 5 thành phố trực thuộc trung ương. Vấn đề này khiến nhiều đại biểu lo lắng về việc mất cân đối trong quy hoạch. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang), Nguyễn Văn Phát (đoàn Thanh Hóa) khẳng định quy hoạch mạng lưới trường ĐH đến năm 2020 chưa hợp lý, mất cân đối và chưa tương xứng với tình hình dân số, phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu Quàng Thị Xuyến (đoàn Sơn La) cho rằng, đầu tư kinh phí xây dựng trường ĐH ở khu vực miền núi còn chậm, chất lượng đội ngũ giảng viên chưa đáp ứng được yêu cầu.

Các đại biểu cũng bức xúc về việc thành lập trường chưa căn cứ đầy đủ vào nhu cầu về nhân lực cũng như khả năng đầu tư của cả nước và từng địa phương, chưa gắn với việc nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo. Đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn Đã Nẵng) bức xúc trước thực trạng nhiều trường được mở chỉ hướng tới mục tiêu lợi nhuận chứ không đặt mục tiêu giáo dục lên hàng đầu. Các đại biểu Đặng Thị Nga (đoàn Lâm Đồng), Mã Điền Cư (đoàn Quảng Ngãi) cho rằng, sự gia tăng trường ĐH có nơi chưa phù hợp. Nhiều trường ĐH mới được nâng cấp hoặc mới thành lập chưa đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất, chất lượng và số lượng giáo viên. Thực trạng này dẫn đến hậu quả là chất lượng giáo dục thấp, sinh viên không được nghiên cứu khoa học đúng mức, không tiếp cận được kỹ năng cần thiết và khi ra trường khó khăn trong tìm việc làm.

Phải siết chặt cơ chế giám sát

Từ việc đánh giá bức tranh toàn cảnh GDĐH, các đại biểu Quốc hội thống nhất cao về một số mặt hạn chế: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) được ban hành còn chậm, thiếu đồng bộ, khó khả thi và chưa hoàn chỉnh; hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư cho GDĐH còn hạn chế; chất lượng GDĐH, đặc biệt là đối với nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế; công tác nghiên cứu khoa học chưa được coi trọng và chưa gắn kết với công tác đào tạo.

Tại Phòng thí nghiệm công nghệ viễn thông, Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) Ảnh: Bùi Tuấn

Thể hiện tâm huyết với nền giáo dục nước nhà, không phải chỉ "vạch lỗi", đại biểu Quốc hội đã trực tiếp tham gia ý kiến, đề xuất giải pháp khắc phục những thiếu sót trong công tác GDĐH. Đại biểu Lê Văn Cuông (đoàn Thanh Hóa) đặt câu hỏi, đồng thời kiến nghị về việc cần tập trung đầu tư vào nhiệm vụ chính là nghiên cứu thực tiễn để xây dựng, ban hành kịp thời, có chất lượng các văn bản QPPL nhằm tăng cường quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Đại biểu Nguyễn Viết Thịnh (đoàn Hà Nội) cũng cho rằng, chủ trương xã hội hóa, mở rộng các trường ĐH ngoài công lập là đúng đắn nhưng sự phát triển quá nóng, trong khi các văn bản pháp luật ban hành chậm, thiếu, không đáp ứng được yêu cầu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng đào tạo. Vì vậy, các đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát lại hệ thống văn bản QPPL về GDĐH; khẩn trương ban hành những văn bản còn thiếu, sửa đổi những văn bản chưa hợp lý, đáp ứng tình hình thực tiễn. Trước mắt, Chính phủ cần xem xét điều chỉnh quy hoạch mạng lưới và điều lệ các trường ĐH, CĐ để các tiêu chí, điều kiện thành lập trường, mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2010-2020 có tính thực tiễn và khả thi hơn, trong đó đặc biệt quan tâm các tiêu chí về cơ sở vật chất, số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên...

Về phía Quốc hội, với vai trò cơ quan giám sát cao nhất, các đại biểu Quốc hội đề nghị, cần giám sát chặt chẽ hơn nữa đối với lĩnh vực GDĐH. Các đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội), Lý Kim Khánh (đoàn Cà Mau), Định Ngọc Lượng (đoàn Cao Bằng), Nguyễn Văn Ba (đoàn Khánh Hòa), Triệu Mùi Nái (Hà Giang)... đề nghị Quốc hội tiếp tục có hoạt động giám sát về lĩnh vực này, sớm cho xây dựng Luật GDĐH để thống nhất và luật hóa các vấn đề về quản lý hệ thống GDĐH. Các đại biểu cũng lưu ý Quốc hội cho chủ trương để sửa đổi, bổ sung một số điều khoản trong các bộ luật khác có liên quan tới giáo dục nói chung và GDĐH nói riêng (Luật Đất đai, Luật Thuế, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư...) nhằm tạo điều kiện cho GDĐH phát triển nhanh và bền vững, đưa công tác XHH sự nghiệp giáo dục đạt những thành tựu lớn hơn. Đặc biệt, trong thời gian gần nhất, các đại biểu đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về GDĐH sau khi giám sát để tháo gỡ một phần khó khăn, vướng mắc về cơ chế nhằm đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng GDĐH trong giai đoạn hiện nay.

Đi đôi với hoàn thiện cơ chế pháp lý, giám sát, tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với công tác GDĐH, "hậu" thanh tra, kiểm tra, giám sát, các đại biểu đòi hỏi phải công khai thông tin và quy trách nhiệm cụ thể đối với từng bước thực hiện để qua đó tiếp tục chấn chỉnh, nâng cao chất lượng GDĐH trong giai đoạn tiếp theo, đáp ứng yêu cầu nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân:
Đổi mới quản lý nhà nước và quản lý nhà trường về giáo dục đại học

Chúng ta đã xác định khâu đột phá là công tác quản lý và đòi hỏi phải chấn chỉnh khâu quản lý, bằng các biện pháp như tổ chức thảo luận trong toàn ngành và XH làm gì để nâng cao chất lượng GD. Qua đó có thể khẳng định không thể phát triển quy mô GDĐH mà buông lỏng quản lý như trong thời gian vừa qua. Từ đó, chúng ta đã xây dựng 12 nhóm giải pháp, trong đó rà soát các chỉ tiêu từ nay đến năm 2020. Thủ tướng cũng đã có chỉ thị về đổi mới quản lý GDĐH. Xin khẳng định, bước tiếp theo cho GDĐH là đổi mới quản lý nhà nước và đổi mới quản lý nhà trường, 3 năm tới GDĐH sẽ có bước phát triển mới.
* Đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh (Trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội):
Không nên phổ cập đại học bằng mọi cách

"Cần sớm nghiên cứu và điều chỉnh các chính sách liên quan đến đa dạng hóa giáo dục đại học theo hướng tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, không nên thực hiện phổ cập đại học bằng mọi cách, cơ quan quản lý giáo dục đại học cần có những giải pháp hiệu quả hơn để bảo đảm chất lượng giáo dục đại học... Với Thủ đô Hà Nội, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GD-ĐT và các ngành liên quan phối hợp với UBND TP thực hiện quy hoạch mạng lưới trường ĐH, CĐ giai đoạn năm 2006-2020 trên địa bàn Hà Nội, bảo đảm phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 sẽ được Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới. Nếu xuất hiện nhiều bất cập, Chính phủ cũng nên xem xét điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường ĐH, CĐ cho phù hợp với quy hoạch Thủ đô, vì quy hoạch mạng lưới này có trước Nghị quyết 15 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô.

* Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn):
Đề nghị dừng mở trường đại học

Đối với các trường ĐH không đủ điều kiện hoạt động, trước mắt nên tạm dừng tuyển sinh để nhà trường tiếp tục củng cố. Một số trường thuộc diện nêu trên, sau một số lần nhắc nhở để họ điều chỉnh mà không điều chỉnh được, dứt khoát phải đóng cửa, đồng thời phải bảo đảm quyền lợi cho sinh viên và sinh viên phải được chuyển sang đào tạo tại các trường khác có đủ điều kiện. Đề nghị tạm dừng mở thêm các trường ĐH, kể cả các trường ĐH công lập của các địa phương mà không cân đối được ngân sách.

Tư Đô
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục đại học: Đặt chất lượng lên hàng đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.