(HNM) - Theo Ngân hàng Nhà nước, trong tuần cuối của tháng 2-2012, tổng doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng bằng VND đạt 180.396 tỷ đồng, bình quân 36.079 tỷ đồng/ngày; doanh số giao dịch bằng USD quy đổi ra VND đạt 79.130 tỷ đồng, bình quân 15.826 tỷ đồng/ngày.
Các giao dịch liên ngân hàng tập trung chủ yếu vào kỳ hạn ngắn như qua đêm và 1 tuần; trong đó, doanh số bằng VND đạt 126.647 tỷ đồng, tương đương 70% doanh số; giao dịch bằng USD quy đổi ra VND đạt 34.502 tỷ đồng. Lãi suất giao dịch bình quân liên ngân hàng bằng VND kỳ hạn qua đêm và 3 tháng tăng 0,54-1,07%/năm, kỳ hạn 9 tháng không biến động, còn lại giảm 0,07-0,82%/năm. Đối với giao dịch bằng USD, lãi suất kỳ hạn qua đêm, 1 tháng, 3 tháng, trên 12 tháng tăng nhẹ 0,23-0,55%/năm, các kỳ hạn khác giảm 0,05-0,45%/năm.
Lãi suất huy động VND ít biến động, phổ biến sát 6%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, 14%/năm ở các kỳ hạn từ 1 tháng trở lên. Lãi suất huy động USD 2%/năm với tiền gửi của dân cư và 0,5%/năm với tiền gửi của tổ chức kinh tế. Lãi suất cho vay VND ổn định, với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu 14,5-16%/năm; cho vay sản xuất - kinh doanh khác 16,5-20%/năm; phi sản xuất 21-25%/năm. Lãi suất cho vay USD
6-7,5%/năm đối với ngắn hạn; 7,5-9%/năm với trung và dài hạn.
Sau các "đại gia" trong hệ thống ngân hàng như BIDV, Agribank, VietinBank, Vietcombank, mới đây, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) điều chỉnh giảm 1,5%/năm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực sản xuất. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) hạ lãi suất cho vay, với mức giảm cao nhất là 2%/năm. VPBank còn đưa ra một gói tín dụng ưu đãi, với lãi suất vay đặc biệt, thấp hơn 3% so với các khoản vay thông thường, dành cho khách hàng thuộc đối tượng ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu, sản xuất kinh doanh, với tổng hạn mức 5.000 tỷ đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.