Bạn đọc

Giao dịch mua bán vàng trên mạng:Cẩn thận với vàng giả

Kim Vũ 09/04/2025 - 07:32

Trước nhu cầu mua bán vàng nhẫn, vàng miếng tăng cao trong khi lượng bán tại các cửa hàng vàng trên địa bàn Hà Nội cho từng cá nhân bị hạn chế, việc bán vàng trên các nền tảng mạng xã hội đang "nở rộ".

Tuy nhiên, phương thức giao dịch này không thể kiểm soát chất lượng, nhiều người đã mua phải vàng giả khi tìm đến "chợ mạng".

vang-gia.jpg
Người dân nên mua vàng tại các cửa hàng chính hãng, được cấp phép để không mua phải vàng giả bán trên mạng xã hội. Ảnh: Tuấn Sơn

"Chợ mạng" sôi động và đầy rủi ro

Tìm hiểu hoạt động mua bán vàng trên mạng xã hội, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, có hàng trăm thông tin đăng tải mỗi ngày. Có hàng chục hội nhóm chuyên giao dịch mua bán vàng của các thương hiệu lớn như Bảo Tín Minh Châu, Doji, SJC… với giá thấp hơn mức niêm yết của các doanh nghiệp này. Rất nhiều tài khoản ẩn danh thường xuyên đăng tải việc mua và bán vàng nhẫn trơn, vỉ, vàng miếng số lượng lớn kèm cam kết giá "mềm" hơn thị trường từ 1 đến 3 triệu đồng/lượng.

Trong đó, tại nhóm “Cộng đồng trao đổi - mua bán vàng 9999”, “Cộng đồng trao đổi mua bán vàng”, “Mua bán vàng miếng Hà Nội”…, nhiều tài khoản đã đăng nhu cầu mua hoặc bán từ 1 chỉ đến vài lượng vàng chính hãng. Sau mỗi bài đăng, có nhiều người đã nhắn tin riêng để trao đổi giá.

Nhiều tài khoản cũng mặc cả giá ngay tại các bài viết. Chẳng hạn, ngày 4-4, một tài khoản ẩn danh đăng bán 5 chỉ vàng Bảo Tín Minh Châu với giá 10.050.000 đồng/chỉ thì có người vào mặc cả giá xuống còn 9.960.000 đồng/chỉ. Cũng có nhiều tài khoản đăng bán với giá thấp hơn cửa hàng. Ngày 4-4, tài khoản Minh Flower đăng tin bán nhẫn tròn trơn 24K với giá mua vào là 9.660.000 đồng/chỉ, bán ra 9.760.000 đồng/chỉ. Mức giá này rẻ hơn thị trường từ 200.000 đến 300.000 đồng/chỉ.

Ngoài ra, có nhiều tài khoản đăng tin bán vàng theo giá mong muốn của khách hàng. Ví như tài khoản tên Trang, sau khi phóng viên nhắn tin số Zalo 0936436… đề nghị mua vàng của một số hãng uy tín thì nhận được phản hồi là có sẵn vàng 3 chỉ của Bảo Tín Minh Châu và vàng miếng của Doji, PNJ.

Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi giá các loại vàng thì người bán lại hỏi ngược lại khách muốn mua mức giá bao nhiêu. Phóng viên đề cập đến giấy tờ mua vàng thì người bán nói là bị mất giấy tờ. Khi phóng viên đề nghị mua 1 lượng vàng miếng thì tài khoản mang tên Trang yêu cầu đặt cọc 1 triệu đồng và nói sẽ giao hàng trong ngày. Phóng viên đề nghị giao hàng tại một cửa hàng vàng để kiểm tra chất lượng thì người bán nhắn lại là đã hết hàng.

Cùng với sự sôi động của hoạt động mua bán vàng trên các "chợ mạng", cũng có rất nhiều nạn nhân mua phải vàng giả, vàng kém chất lượng lên tiếng cảnh báo.

Cụ thể, các hội nhóm mua bán vàng trên mạng xã hội đã chia sẻ việc một khách hàng tại tỉnh Bắc Ninh mua phải vàng giả của thương hiệu Bảo Tín Minh Châu từ một tài khoản Facebook. Khi mang vàng đến kiểm tra tại cửa hàng chính hãng, người này mới tá hỏa vì phát hiện đây là vàng giả từ tem mác, vỏ vỉ, chất liệu. Ngày 7-3, Công an thành phố Hà Nội cũng đã phát đi cảnh báo đến người dân về tình trạng này.

Cần nâng cao cảnh giác

Nhiều đối tượng làm giả vàng cũng đã bị đưa ra ánh sáng. Ngày 20-3-2025, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm nhóm 6 bị cáo lừa bán vàng giả cho nhiều tiệm vàng trên địa bàn Hà Nội và tỉnh Bắc Giang. Đối tượng cầm đầu là Phạm Mạnh Giỏi (sinh năm 1986, trú tại huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) và đồng bọn đã mua dây chuyền vàng thật rồi bắt chước chế tạo một dây giả, sau đó quay lại cầm cố tại chính cửa hàng vàng đã mua hoặc bán nhằm chiếm đoạt tiền. Từ tháng 5-2023 đến tháng 3-2025, nhóm đối tượng này đã lừa đảo bằng hành vi tương tự tại 87 cửa hàng vàng trên địa bàn Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, chiếm đoạt hơn 3,1 tỷ đồng. Giỏi đã bị tuyên phạt 13 năm tù.

Trước đó, ngày 7-3, Cơ quan An ninh điều tra (Công an thành phố Hà Nội) đã khởi tố bị can Lê Thị Thái (trú tại phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng) để điều tra về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Với danh nghĩa là người đại diện pháp lý cho Công ty cổ phần trang sức Coco Lee Diamond Hà Nội, địa chỉ tại số 15-17 phố Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng), Thái đã bán vàng giả cho khách, ký hợp đồng hợp tác đầu tư, sử dụng vàng thỏi hoặc cây bon sai mạ vàng làm tài sản đối ứng.

Trao đổi với Báo Hànộimới, Luật sư Trần Hoàng Vũ, Giám đốc Công ty Luật AEC (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, theo quy định của pháp luật, việc kinh doanh vàng phải có giấy phép của các cơ quan có thẩm quyền. Việc giao dịch vàng trên "chợ mạng" là hành vi trái pháp luật, nên khi khách hàng mua phải vàng giả, vàng kém chất lượng sẽ khó có thể đòi lại quyền lợi cho mình.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 24 Nghị định 88/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14-11-2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, hành vi mua, bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần, sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.

Để tránh gặp phải những rủi ro khi mua vàng, các chuyên gia cảnh báo, người dân cảnh giác với những hoạt động mua bán trên mạng, nên đến các cửa hàng chính hãng, được cấp phép để mua vàng đạt chất lượng, tiêu chuẩn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giao dịch mua bán vàng trên mạng: Cẩn thận với vàng giả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.