Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giành lại niềm tin với thực phẩm an toàn

Ngọc Quỳnh| 08/07/2016 06:35

(HNM) - Do thói quen của người tiêu dùng cũng như hạn chế của các kênh phân phối thực phẩm trong nước, việc giành lại niềm tin với thực phẩm an toàn cũng là một thách thức lớn...

Liên kết còn lỏng lẻo

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, tiêu thụ thực phẩm hiện tăng trưởng 5,1%/năm, đạt khoảng 29,5 tỷ USD/năm. Dự kiến mức tiêu thụ này trong năm 2016 đạt 5,8 triệu đồng/người. Thị trường bán lẻ thực phẩm chủ yếu ở hai kênh, trong đó kênh truyền thống là cửa hàng chuyên bán nông sản, bán hàng rong, điểm bán thực phẩm ở các khu dân cư, đô thị mới; còn kênh hiện đại là siêu thị, cửa hàng chuyên thực phẩm sạch, cửa hàng tiện ích. Người tiêu dùng hiện đại có xu hướng sử dụng thực phẩm sạch để giảm nguy cơ mất ATTP. Tuy nhiên, việc liên kết giữa các nhà sản xuất, chế biến, nhà phân phối, bán lẻ hàng hóa còn lỏng lẻo nên chưa hiệu quả. “Hạ tầng cơ sở và việc tiếp thị các mặt hàng nông sản còn yếu kém là nguyên nhân làm tăng giá bán, giảm sức cạnh tranh trên thị trường. Công nghệ nuôi trồng, thu hoạch, chế biến nông sản còn chưa bảo đảm, một số người dân vẫn sử dụng chất cấm, kháng sinh vượt ngưỡng cho phép dẫn tới chất lượng sản phẩm không đồng đều giữa các vùng sản xuất. Điều này gây mất lòng tin cho người tiêu dùng, dù nhu cầu về sử dụng thực phẩm sạch rất cao” - bà Đinh Thị Mỹ Loan cho hay.

Người tiêu dùng chưa thực sự yên tâm với chất lượng của thực phẩm an toàn bày bán trong siêu thị. Ảnh: Anh Tuấn


Do các kênh phân phối thực phẩm an toàn khó khăn, nên người sản xuất cũng chật vật trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Ông Nguyễn Đại Thắng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Trang trại Bảo Châu (Sóc Sơn) cho biết, thực phẩm sạch bị cạnh tranh khốc liệt với thực phẩm không an toàn trên thị trường. Qua khảo sát các điểm bán hàng của Công ty cho thấy, khi đến mua hàng, người tiêu dùng sẵn sàng bỏ tiền cao hơn 5-10% để mua thực phẩm sạch, nhưng vẫn băn khoăn về chất lượng. Vì vậy, dù Công ty sản xuất ra những sản phẩm có sự khác biệt rõ rệt về chất lượng với sản phẩm thường, song hoàn toàn không dễ trong khâu phân phối. Đến nay, dù thương hiệu thịt lợn hữu cơ Bảo Châu và trứng gà hữu cơ Bảo Châu đã được nhiều người tiêu dùng lựa chọn; Công ty đã ký kết hợp đồng phân phối cho 30 cửa hàng tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các siêu thị Hà Nội Lotte, Vinmart, Fivimart… nhưng số lượng tiêu thụ còn khiêm tốn so với năng lực sản xuất của trang trại. Cùng tâm trạng này, ông Đào Văn Chung, chủ cửa hàng kinh doanh thịt an toàn ở Đông Anh cho biết, nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng tăng hơn so với 2-3 năm trước. Tuy nhiên, số lượng tiêu thụ chậm, trung bình mỗi ngày cửa hàng chỉ bán được 30-40kg thịt lợn, 10 con gà, 20-30 quả trứng.

Để người tiêu dùng “mục sở thị”

Theo bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam, hiện Fivimart có trên 400 nhà cung cấp thực phẩm và 11.000 mã hàng thực phẩm, được trưng bày tại 65% diện tích trong siêu thị. Dù siêu thị có nhiều chương trình khuyến mãi, bán với giá cạnh tranh với chợ truyền thống, nhưng số lượng tiêu thụ còn ít. Bà Hậu cho rằng: Để sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng ngày càng nhiều, trong thời gian tới, các sở, ban, ngành của Hà Nội nên thường xuyên tổ chức cho người tiêu dùng trực tiếp tham quan các trang trại chăn nuôi an toàn ở các vùng sản xuất tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố có hàng cung cấp cho Thủ đô để tạo niềm tin với khách hàng. Bên cạnh đó là đẩy mạnh liên kết giữa nhà sản xuất với các hệ thống siêu thị trên địa bàn nhằm tăng số lượng thực phẩm an toàn tiêu thụ qua kênh phân phối hiện đại. Còn theo ông Tạ Văn Tường - Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi, thực phẩm sạch hiện cũng phải chịu thiệt thòi khi người tiêu dùng mất lòng tin với thực phẩm nói chung. Do đó các sở, ban, ngành thành phố cần tăng cường công tác kiểm tra chất lượng tại những kênh phân phối hiện đại. Có chính sách khuyến khích cho các doanh nghiệp đầu tư lớn vào nông nghiệp an toàn…

Sở NN&PTNT Hà Nội đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, kiểm tra lấy mẫu giám sát chất lượng tại các cửa hàng. Chủ trương của ngành là xử phạt nặng, thậm chí thu hồi giấy phép kinh doanh nếu đơn vị, cá nhân nào sản xuất không bảo đảm vệ sinh hoặc kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc. Ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại thực phẩm cần thấy rõ trách nhiệm của mình trước hiểm họa thực phẩm bẩn, liên kết cùng xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn để từng bước tạo uy tín và thị phần thực phẩm an toàn ở Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giành lại niềm tin với thực phẩm an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.