(HNM) - Giảng viên ĐH có thể tham gia điều hành doanh nghiệp, ngừng việc tài trợ tản mạn 10 triệu đồng cho mỗi công trình nghiên cứu, giảm những quy định hành chính quá rườm rà chỉ quan tâm tới thủ tục mà không chú trọng tới chất lượng nghiên cứu…
Tiến sỹ Hà Quốc Trung, giảng viên Khoa Công nghệ thông tin (Đại học Bách khoa Hà Nội) hướng dẫn sinh viên làm đề tài khoa học. Ảnh: TTXVN |
Thiếu môi trường hay thiếu động lực?
Kinh phí eo hẹp, các điều kiện phục vụ nghiên cứu khoa học (NCKH) và chuyển giao công nghệ còn nghèo nàn… vẫn là "điệp khúc" trong báo cáo về công tác khoa học - công nghệ của các trường ĐH, CĐ và các viện nghiên cứu. Thế nhưng, trên thực tế, nhiều đơn vị đi đầu trong công tác này, như ĐH Quốc gia Hà Nội, có năm đã phải hoàn trả lại cho ngân sách Nhà nước hàng tỷ đồng vì không giải ngân hết cho các đề tài. Bộ Khoa học và Công nghệ năm 2007 đã hoàn lại 125 tỷ đồng, năm 2006 là 321 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2006-2009, tổng kinh phí đầu tư cho các nhiệm vụ KH-CN cấp Nhà nước tăng trung bình 25% mỗi năm. Trong số 34 trường ĐH, cũng khoảng thời gian đó, chỉ có 248 đề tài cấp Nhà nước với tổng kinh phí thực hiện là hơn 136 tỷ đồng.
Tình trạng "chỗ thiếu vẫn thiếu, chỗ thừa vẫn thừa" được lý giải trước hết bởi sự thiếu nhiệt tình tham gia NCKH của các giảng viên. Theo ông Lê Minh Tiến, đại diện ĐH Mở TP Hồ Chí Minh, điều này không có gì là khó hiểu bởi giảng viên không có động lực kinh tế để NCKH, việc vốn tốn rất nhiều thời gian, công sức trong khi thu nhập ít ỏi. Nhiều giảng viên dạy vượt quá 200% - 300% số giờ quy định để tăng thêm thu nhập; không ít người hăng hái đi dạy thêm ở trường dân lập có mức thù lao cao, từ 80.000 đến 120.000 đồng/giờ, gấp 5 lần mức ở trường công lập chi cho giảng viên, gấp 2,5 lần mức cho PGS, TS. Đi dạy đã ngốn hết 8 thậm chí 12 giờ vàng ngọc, còn đâu sức lực và thời gian cho NCKH. Ngoài ra, theo ông Lê Minh Tiến, hiện vẫn chưa có chế tài nào bắt buộc giảng viên phải nghiên cứu. Nhiều giảng viên ĐH hiện nay không hề có một "sản phẩm" học thuật nào trong thời gian dài nhưng vẫn được giảng dạy. Ông Nguyễn Mạnh Quân, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội thì đưa ra con số: Trong vòng 10 năm qua, trung bình mỗi GS và PGS của nước ta chỉ công bố 0,58 bài báo.
Bà Lê Thị Tuyết Hạnh, Học viện Quản lý Giáo dục lại có một cách lý giải khác. Theo bà, chính cách quản lý NCKH bằng hình thức và máy móc với sự phân chia kinh phí hay đăng ký trước đề tài đã làm tiêu tan sự nhiệt tình của các nhà khoa học, tạo kẽ hở cho sự tiêu cực và tham nhũng trong NCKH có cơ hội nảy sinh. Do đó, cần phải chấm dứt tình trạng phân bổ đề tài, kinh phí một cách bình quân.
Rõ ràng là, giảng viên, nhất là các giảng viên trẻ có tâm lý ngại, thờ ơ, lười NCKH bởi họ không có một môi trường khoa học với đầy đủ các điều kiện như đề tài nghiên cứu, kinh phí, phòng thí nghiệm... trong khi vẫn phải lo cuộc sống cho bản thân và gia đình.
Động lực không chỉ là tiền
Để tạo động lực, lòng nhiệt tình tham gia NCKH, theo ông Lê Minh Tiến (ĐH Mở TP Hồ Chí Minh), cần cho phép giảng viên được quy đổi giờ NCKH thành giờ giảng. Theo đó, một giảng viên khi tham gia NCKH nhiều thì sẽ được giảm số tiết dạy nghĩa vụ hằng năm. Giải pháp này giúp giảng viên có thể "sống được" nhờ NCKH thay vì phải phụ thuộc vào các giờ giảng trên lớp như hiện nay. Bên cạnh yêu cầu Bộ GD-ĐT có giải pháp giảm tỷ lệ sinh viên/giảng viên để bớt áp lực cho người dạy, ông Tiến cho rằng cần quy định rõ trình độ ngoại ngữ mà một giảng viên ĐH phải đạt được.
Còn ông Nguyễn Mạnh Quân, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, cần có những thay đổi từ phía cơ chế, chính sách. Trong đó, ông Quân đưa ra kiến nghị táo bạo là tạo cơ chế cho cán bộ giáo viên có thể tham gia điều hành doanh nghiệp. Gợi ý này có liên quan tới thực tế mà ông Quân nêu ra: Các công nghệ sau nghiên cứu thường được chuyển giao theo kiểu "mua đứt, bán đoạn", không theo đến cùng, nên niềm tin của doanh nghiệp vào sản phẩm chuyển giao của các trường giảm sút. Cũng đề cập tới các giải pháp vĩ mô, ông Trần Hoàng Hảo, Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng Nhà nước cần ban hành chính sách thích hợp về phân chia lợi ích Nhà nước - Nhà trường - Nhà khoa học - Doanh nghiệp.
Việc chấm dứt phân bố bình quân nguồn tài chính và đề tài cho các đơn vị nhận được sự đồng tình của nhiều trường. Ông Nguyễn Quốc Vọng, Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội nêu ý kiến: Không nhất thiết phải khuyến khích toàn bộ hơn 60 nghìn giảng viên ĐH hiện nay làm NCKH. Việc cấp kinh phí tản mạn kiểu 10 triệu đồng cho mỗi nghiên cứu như nhiều nơi đang làm hiện nay là một tính toán "khôi hài", bởi không thể có một nghiên cứu tốt với chừng đó tiền. Ông Vọng cho rằng cũng giống như chương trình tiên tiến, chúng ta nên tập trung tài chính cho một số trường trở thành những ĐH nghiên cứu. Khi các trường ĐH nghiên cứu được Nhà nước đặt hàng những đề tài, chương trình lớn với kinh phí tương xứng, cơ sở đào tạo và giảng viên sẽ có động lực để NCKH. Và đương nhiên, khi ấy bài toán động lực kinh tế cũng sẽ có lời giải.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.