Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gian nan xuất khẩu hoa tươi

Đỗ Minh| 29/02/2016 06:47

(HNM) - Cả nước hiện có trên 27 nghìn héc ta trồng hoa các loại, tương đương với các nước xuất khẩu hoa lớn trên thế giới như: Ấn Độ, Hà Lan… Dù diện tích sản xuất lớn, lượng hoa không phải là nhỏ nhưng hoạt động xuất khẩu hoa tươi của Việt Nam còn nhiều hạn chế.


Tiềm năng lớn

Theo Bộ NN&PTNT, cả nước có trên 27.300ha trồng hoa tươi, tập trung ở Lâm Đồng, Sa Pa (Lào Cai), Hà Nội, Hải Phòng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Theo ông Trần Huy Đường - Giám đốc Công ty TNHH Trang trại Langbiang, một trong những chuyên gia hàng đầu về sản xuất hoa chia sẻ: Việt Nam có nhiều tỉnh, thành phố đều có thể trồng hoa với năng suất cao và hoàn toàn cạnh tranh được với các "thủ phủ hoa" trên thế giới. Không những thế, Việt Nam còn trồng được nhiều loại hoa mà nhiều quốc gia khác không trồng được. Hiện Đà Lạt đang trồng trên 400 loài hoa với nhiều giống hoa tốt, trong đó có 70 giống hoa cúc, 30 giống đồng tiền, 30 giống cẩm chướng, hàng chục giống hoa hồng... trải rộng trên diện tích 7.800ha, sản lượng đạt 2,5 tỷ cành, nhưng tỷ lệ xuất khẩu chỉ mới chiếm 10% mỗi năm.

Hoa cẩm chướng Đà Lạt được xuất khẩu sang thị trường Nga.


Không chỉ riêng Đà Lạt mà nhiều tỉnh, thành phố của nước ta cũng có tiềm năng lớn về sản xuất hoa. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Toàn thành phố có gần 5.000ha chuyên sản xuất hoa các loại. Để nhân rộng mô hình trồng hoa, năm 2012, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Đề án Phát triển hoa, cây cảnh thành phố giai đoạn 2012-2016. Qua hơn 4 năm triển khai, Hà Nội đã mở rộng và hình thành 50 vùng sản xuất hoa tập trung quy mô từ 20ha/vùng trở lên tại Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Mê Linh, Đan Phượng. Sản lượng hoa chất lượng cao tăng nhanh, cung cấp cho thị trường 200-250 triệu cành, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hoa của Thủ đô và một số tỉnh lân cận. Mô hình trồng hoa cho thu nhập cao, từ 200 triệu đồng đến hàng tỷ đồng trên một héc ta.

Theo tính toán sơ bộ của PGS.TS Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả: Tại Tây Tựu, Mê Linh (Hà Nội), 1m2 trồng được 8 cây hoa đồng tiền, ước tính mỗi năm lãi trên 240 triệu đồng/ha. Còn tại Đà Lạt, cây hoa cát tường mỗi năm trồng được 2,5 vụ, ước tính mỗi năm lãi trên 1 tỷ đồng/ha. Các vùng sau khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng nông nghiệp theo hướng trồng hoa đều trở thành những vùng có kinh tế phát triển. "Đây mới chỉ tính trên con số bình quân, trên thực tế nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, giống hoa chất lượng thì lợi nhuận còn cao hơn thế rất nhiều" - PGS.TS Đặng Văn Đông khẳng định.

Hướng tới thị trường thế giới

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: Hoa được coi là ngành hàng chủ lực, góp phần thực hiện tái cơ cấu trồng trọt, cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng thông thường khác trong cùng điều kiện canh tác. Tuy nhiên, những năm trước, cây hoa chưa được khai thác và phát triển đúng với tiềm năng vốn có của nó. Mặc dù Việt Nam được coi là quốc gia có diện tích trồng hoa khá lớn, tương đương với Tây Ban Nha - quốc gia đứng thứ 5 Châu Âu về lĩnh vực này. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu chỉ có 60 triệu USD trong tổng số hơn 30 tỷ USD xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Và đáng buồn, hoa Việt Nam chưa hề có thương hiệu trên thị trường hoa thế giới.

Ông Võ Ngọc Hiệp - Chủ tịch UBND TP Đà Lạt (Lâm Đồng) thừa nhận: Việc sản xuất và xuất khẩu hoa vẫn chưa được chú ý. Khiếm khuyết một phần cũng xuất phát từ các cơ quan chuyên môn, do chưa đưa ra được dự báo thị trường nên giá trị hoa của Đà Lạt và một số địa phương trên cả nước vẫn còn thấp. Phần lớn hộ nông dân vẫn sản xuất theo thói quen, chậm chuyển đổi công nghệ, kỹ thuật nên hiệu quả chưa cao. Hiện hoa Đà Lạt xuất khẩu nhiều sang thị trường các nước lớn như Ấn độ, một số nước Châu Âu và các nước Đông Nam Á.

Theo ông Hiệp, năm qua, Đà Lạt và một số tỉnh xuất khẩu một số loại hoa như: Hoa hồng, cẩm chướng, cúc và cát tường,… sang thị trường Nhật Bản. Qua vài năm xuất khẩu sang Ấn Độ, hoa Việt Nam được người tiêu dùng nước này rất ưa chuộng. Theo một tờ tạp chí lớn của Ấn Độ dự báo, nếu Việt Nam khai thác tốt lợi thế từ cây hoa thì Việt Nam sẽ trở thành trung tâm xuất khẩu hoa hàng đầu Châu Á.

Để phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất hoa của Việt Nam, thời gian tới Bộ NN&PTNT sẽ quy hoạch những vùng trồng hoa có điều kiện, khí hậu phù hợp. Việc phát triển các mô hình trồng hoa phải gắn với xây dựng thương hiệu, thị trường. Sản xuất hoa phải hướng tới xuất khẩu để mang kim ngạch lớn về chứ không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gian nan xuất khẩu hoa tươi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.