Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gian nan xử lý chất thải y tế

Thu Trang| 17/04/2017 06:14

(HNM) - Nếu không được xử lý tốt, hàng trăm tấn rác thải y tế từ các bệnh viện


Thu gom, phân loại và quản lý chất thải nguy hại tại Bệnh viện E Hà Nội. Ảnh: Dương Ngọc


Xử đúng luật, nhiều bệnh viện phải đóng cửa

Theo Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), cả nước hiện có hơn 13.500 cơ sở y tế, trong đó có gần 1.400 cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên và hơn 11.000 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Hằng ngày, các cơ sở này thải ra khoảng 450 tấn rác, trong đó có 47 tấn chất thải rắn nguy hại và hơn 125.000m³ nước thải cần được xử lý đặc thù. Đó là chưa kể đến một lượng rác khổng lồ từ hơn 1.000 cơ sở y tế dự phòng, các cơ sở đào tạo y dược, sản xuất thuốc, y tế tư nhân…

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện mới có khoảng 60% cơ sở y tế có hệ thống xử lý chất thải bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn. Như vậy, hằng ngày, hằng giờ vẫn còn lượng chất thải rất lớn từ các bệnh viện chưa được xử lý xả thải ra môi trường, là nguồn lây nhiễm bệnh tật nguy hiểm. Thế nhưng, hiện việc đầu tư nguồn lực cho hệ thống xử lý chất thải tại các cơ sở y tế chưa được như mong muốn, thậm chí có bệnh viện, người đứng đầu không quan tâm đúng mức đến vấn đề này.

“Hiện còn khoảng 400 bệnh viện cần được đầu tư mới hoặc nâng cấp hệ thống xử lý nước thải. Mặt khác, tại các bệnh viện đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế, công tác vận hành, duy tu, bảo trì, bảo dưỡng còn khó khăn do thiếu kinh phí vận hành và thiếu cán bộ có chuyên môn kỹ thuật phù hợp để quản lý...” - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết thêm.

Qua một nghiên cứu độc lập được Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) triển khai tại gần 100 bệnh viện trên cả nước, tồn tại lớn nhất trong công tác xử lý chất thải y tế chính là khâu vận hành. Việc để các bệnh viện tự bố trí cán bộ không có chuyên môn vận hành hệ thống xử lý nước thải, chất thải thì rất khó bảo đảm các chỉ tiêu đầu ra đạt chuẩn. Ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, sử dụng bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên làm công việc vận hành xử lý chất thải y tế sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn. Hơn nữa, khi tiến hành kiểm tra việc xử lý chất thải y tế tại các bệnh viện, lực lượng chức năng còn “cả nể”. Nếu cứ phạt đúng luật thì nhiều bệnh viện sẽ phải… đóng cửa.

Giải bài toán kinh phí

Trong giai đoạn 2010-2015, Hà Nội đã đầu tư cho 16 bệnh viện hệ thống lò đốt chất thải y tế; các cơ sở y tế khác ký hợp đồng thu gom xử lý chất thải y tế với các công ty môi trường. Ngoài ra, thành phố cũng đã xây dựng mới hệ thống xử lý chất thải lỏng cho 30 bệnh viện.

Tuy nhiên, việc quản lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế Thủ đô vẫn còn nhiều khó khăn. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Văn Dung, trên địa bàn hiện có 11 bệnh viện được đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế từ khá lâu, đã xuống cấp và 16 bệnh viện được đầu tư lò đốt chất thải rắn, quá trình vận hành còn nhiều hạn chế như tiêu tốn nhiên liệu, rất hay hỏng, thường xuyên phải bảo trì. Trong khi đó, kinh phí đầu tư cho công tác quản lý chất thải y tế còn hạn chế; nhiều đơn vị không đủ lực xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý nước thải, khu lưu giữ chất thải rắn. Mặt khác, đầu tư cho vận hành, bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải; mua hóa chất, vật tư làm sạch môi trường, mua sắm trang thiết bị, phương tiện thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tiêu hủy chất thải rắn y tế cũng cần kinh phí tương đối lớn, tạo áp lực không nhỏ lên các cơ sở y tế...

Để giải bài toán thiếu kinh phí, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ xin cơ chế, chính sách đặc thù về xử lý chất thải y tế và xây dựng dự thảo Quyết định về thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế. Đây là việc làm cần thiết, góp phần tháo gỡ khó khăn về kinh phí đầu tư và giảm gánh nặng ngân sách. Các quy định sẽ phân cấp, phân quyền cho các đơn vị một cách triệt để, bảo đảm sự cạnh tranh trong việc thuê dịch vụ xử lý chất thải y tế và quản lý chất thải y tế theo đầu ra.

Bộ Y tế đặt mục tiêu đến năm 2020, 100% cơ sở y tế thực hiện xử lý chất thải y tế đạt yêu cầu về môi trường. Để đạt được mục tiêu đặt ra thực sự là hành trình gian nan. Làm thế nào để giải bài toán về quản lý chất thải y tế? "Đáp số" không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của riêng ngành Y tế mà còn cần đến sự chung tay của các ngành, lĩnh vực khác cũng như của toàn xã hội.

Ngày 1-10-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1788/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, với mục tiêu đến năm 2020 không còn cơ sở thuộc diện này. Khi đó, cả nước có 172 cơ sở y tế gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Theo lộ trình, hết năm 2016 phải có 106 cơ sở y tế ra khỏi danh sách “đen” trên, nhưng đến nay, mới chỉ có 56 bệnh viện ra khỏi danh sách này.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gian nan xử lý chất thải y tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.