Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gian nan tìm đường... thoát nước

Hải Yến| 09/07/2011 07:15

(HNM) - Công tác quản lý nguồn nước, chống ngập là một trong những việc quan trọng của TP Hồ Chí Minh trong hàng chục năm gần đây. Thế nhưng tình trạng ngập nước vẫn diễn biến phức tạp; đặc biệt là nhiều điểm ngập mới phát sinh!?

(HNM) - Công tác quản lý nguồn nước, chống ngập là một trong những việc quan trọng của TP Hồ Chí Minh trong hàng chục năm gần đây. Thế nhưng tình trạng ngập nước vẫn diễn biến phức tạp; đặc biệt là nhiều điểm ngập mới phát sinh!?

Theo PGS-TS Hồ Long Phi, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập của TP: Ở TP Hồ Chí Minh có một số nơi chỉ cần cơn mưa từ 40mm - 50mm trở lên là đã có thể ngập. Đây là hậu quả của quá trình phát triển đô thị thiếu kiểm soát hoặc kiểm soát chưa chặt chẽ trong gần 10 năm trở lại đây. Gần 100 điểm ngập tập trung chủ yếu ở lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm, lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thuộc địa bàn các quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, quận 6… Tại những điểm này sự đô thị hóa quá nhanh, hàng loạt kênh, rạch đã bị san lấp, nhiều vùng đất trống đã bị các công trình xây dựng chiếm chỗ. Hệ thống cống thoát nước lại cũ kỹ, quá tải, nhiều nơi còn không có. Các quận, huyện ven đô như quận 7, quận 9, quận 12… đang có xu hướng gia tăng về số lượng lẫn thời gian ngập cũng như mức độ ngập.


Sau mỗi cơn mưa, đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận 1) lại thành sông.

Các chuyên gia đều đánh giá: Do công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị ở các quận, huyện ven đô còn nhiều bất cập, hơn nữa kinh phí chống ngập, xây dựng hệ thống thoát nước mới chưa có. Đã thế, công tác xã hội hóa chống ngập lại không hấp dẫn các nhà đầu tư tương tự một số lĩnh vực khác như làm cầu đường, xây nhà máy cấp nước! Lý do khá đơn giản, xây hệ thống thoát nước, nhà đầu tư gần như không thể thu hồi vốn bằng cách thu phí thoát nước như thu phí giao thông… Đa phần dự án thoát nước lớn đều "trông chờ" vào các nguồn vốn ODA trong khi đó các nguồn vốn này đang ngày một hạn hẹp. Số liệu của Sở GTVT cho thấy, hiện nay TP có khoảng 1.900km đường cống thoát nước các loại, phân bố chủ yếu ở nội thành. Khoảng 50% trong số này đã cũ kỹ, quá tải. Để thay mới số cống cũ và xây thêm cống mới cho các quận, huyện ngoại thành đồng thời với việc lắp đặt phay ngăn triều, làm đê… TP Hồ Chí Minh cần khoảng 100.000 tỷ đồng! Hiện, cho dù đã hết sức cân đối, song mỗi năm TP chỉ có thể dành khoảng 2.000 tỷ đồng cho công tác trị thủy

Những tín hiệu khả quan

Ngày 5-7, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam và Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh (SCFC) đã ký biên bản ghi nhớ về dự án nâng cao năng lực quản lý hệ thống thoát nước và xử lý nước thải giai đoạn 2.

Theo biên bản ghi nhớ, dự án này sẽ được tiến hành trong 3 năm, kể từ tháng 9-2011, Nhật Bản sẽ tiếp tục giúp TP Hồ Chí Minh nâng cao năng lực quản lý hệ thống nước thải. Đây là mục tiêu giai đoạn 2 của dự án Hợp tác kỹ thuật được ký kết giữa JICA và SCFC. Dự án (giai đoạn 2) sẽ được tiến hành trong 3 năm, kể từ tháng 9-2011, tiến hành tiếp theo giai đoạn 1 (đã kết thúc tháng 11-2010). Trong giai đoạn 1, JICA đã hỗ trợ TP Hồ Chí Minh xây dựng nhà máy xử lý nước thải lớn nhất nước tại xã Bình Hưng (Bình Chánh) với công suất 141.000 m3/ngày đêm cho 11 quận, huyện. JICA cũng sẽ giúp TP mở những khóa huấn luyện chuyên môn sâu về thoát nước và nhấn mạnh đội ngũ chuyên gia vận hành, bảo dưỡng các nhà máy thoát nước cần phải có chuyên môn nhất định mới mong nhà máy hoạt động hiệu quả. Giai đoạn 2 tiếp tục nâng công suất nhà máy xử lý nước thải lên 512.000 m³/ngày đêm. Đây là hai trong số các hạng mục thuộc dự án cải thiện môi trường nước TP, bao gồm việc nâng cao năng lực về quản lý cho SCFC về hệ thống nước thải ở lưu vực Tầu Hũ - Bến Nghé - Kênh Đôi - Kênh Tẻ, cải tạo hệ thống thoát nước mưa bằng bơm khu vực Thanh Đa (Bình Thạnh), bến Mễ Cốc 1, Mễ Cốc 2 (quận 8); chọn lựa và giám sát nhà thầu và khả năng của SCFC trong việc hình thành lộ trình thực hiện các dự án nước thải. Phía Nhật Bản sẽ hỗ trợ một loạt các hoạt động như cử 2 chuyên gia dài hạn và 4 chuyên gia ngắn hạn sang Việt Nam giúp đỡ SCFC; tổ chức các khóa đào tạo tại Nhật Bản và các nước khác; cung cấp các trang thiết bị cần thiết để dự án đạt kết quả cao nhất…

Hy vọng, dự án này cũng sẽ đưa ra các giải pháp cho việc cải thiện chất lượng nước thải, tăng cường giáo dục cộng đồng và hoàn thiện hơn nữa hệ thống trao đổi thông tin về vận hành và bảo dưỡng nhà máy xử lý nước thải giữa các đơn vị liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gian nan tìm đường... thoát nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.