(HNM) - Ngày 31-5 được Tổ chức Y tế thế giới lựa chọn là “Ngày thế giới không thuốc lá”, nhằm gióng lên hồi chuông cảnh báo cộng đồng về tác hại của thuốc lá - thủ phạm cướp đi hơn 7 triệu sinh mạng mỗi năm...
Lực lượng chức năng thu giữ thuốc lá nhập lậu tại Hải Phòng. Ảnh: Thường Hưng |
Tràn lan thuốc lá lậu, quảng cáo, khuyến mãi...
Phóng viên Báo Hànộimới thực hiện một khảo sát nhanh khu vực đối diện nhà hàng Thủy Tạ (phố Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm) vào trưa 30-5: Thấy xe máy của chúng tôi dừng lại, lập tức hai người ngồi trên vỉa hè chạy lại nhanh nhảu mời chào mua thuốc lá. Khi phóng viên hỏi mua một bao Jet trắng, một người chạy vào ngõ nhỏ gần đó mang ra với giá 25.000 đồng/bao và lý giải: “Các loại thuốc lá hiệu Jet, Hero, Esse… là hàng lậu nên việc bán hàng luôn phải cẩn thận, đề phòng nhân viên quản lý thị trường kiểm tra”.
Tương tự, tại một cửa hàng tạp hóa ở đường Ngọc Lâm, quận Long Biên, trên quầy không thấy sự hiện diện của các loại thuốc Hero, Jet..., chỉ có thuốc lá được sản xuất tại Việt Nam hoặc những loại có dán tem nhập khẩu. Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi mua thuốc lá Hero, chủ hàng cũng lấy từ trong chiếc hộp để sâu dưới quầy hàng một gói để phục vụ khách...
Thống kê sơ bộ cho thấy, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng các tỉnh, thành phố trên cả nước đã phát hiện, bắt giữ hàng trăm nghìn bao thuốc lá thẩm lậu qua biên giới hoặc đang vận chuyển đi tiêu thụ. Riêng tại Hà Nội, trong 5 tháng đầu năm 2017, Chi cục Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 67 vụ, tịch thu 12.900 bao thuốc lá điếu các loại, phạt hành chính hơn 500 triệu đồng. Ông Chu Xuân Kiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Hà Nội cho biết: Số người bán lẻ thuốc lá điếu nhập lậu trên địa bàn thành phố rất nhiều.
Song, theo thẩm quyền xử phạt của lực lượng chức năng, cao nhất chỉ được xử phạt 500 nghìn đồng và không được áp dụng các biện pháp bổ sung như tịch thu tang vật. Đồng thời, trong khi số lượng thuốc lá buôn lậu tăng lên thì việc bắt giữ, truy tố, xét xử đều giảm. Chẳng hạn, năm 2016 số vụ xử lý hình sự giảm 58%, đối tượng bị xử lý hình sự giảm 53,5%...
Bên cạnh đó, Việt Nam đã cấm các hoạt động quảng cáo, khuyến mãi thuốc lá công khai trên báo chí, pa nô, áp phích... nhưng kết quả nghiên cứu tại 2.106 điểm bán lẻ thuốc lá trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố do Trường Đại học Y tế công cộng công bố mới đây cho thấy, 37% điểm bán (trong diện nghiên cứu) vi phạm quy định về quảng cáo. Trong đó, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hà Nội là các địa phương có tỷ lệ vi phạm cao nhất (lần lượt là 86,1%; 69,5% và 55%).
Phần lớn điểm bán lẻ đều vi phạm quy định về trưng bày thuốc lá (chiếm 88,5%). Thạc sĩ Trần Khánh Long, Trường Đại học Y tế công cộng chia sẻ, thay vì trưng bày các bao thuốc lá thật, các doanh nghiệp đã đầu tư miễn phí hộp, tủ đựng thuốc lá in logo, màu sắc của nhãn hiệu thuốc lá; cấp miễn phí bảng điện tử quảng cáo thuốc lá màn hình LED… Ngoài ra, các doanh nghiệp còn thuê nhân viên nữ tiếp thị có hình thức bắt mắt để quảng bá sản phẩm.
Một vấn đề cũng rất đáng chú ý là Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2013 quy định: Tại những nơi như bệnh viện, trường học, khu vui chơi, chăm sóc trẻ em... tuyệt đối không được hút thuốc lá. Còn theo Nghị định 176/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực y tế, trong đó có các quy định về phòng, chống tác hại thuốc lá có hiệu lực từ năm 2013, nêu rõ: Nếu hút thuốc ở khu vực có quy định cấm sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng.
Tuy nhiên, trên thực tế, qua 4 năm triển khai thực hiện, tình trạng vi phạm hút thuốc lá nơi công cộng vẫn diễn ra khá phổ biến. Đại diện Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, tại Hà Nội, Đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra 171 nhà hàng, khách sạn, phạt 23 đơn vị với số tiền gần 60 triệu đồng. Tại Hải Phòng, các cơ quan chức năng đã kiểm tra 62 cơ sở kinh doanh, nhà hàng, khách sạn, cửa hàng bán lẻ thuốc lá, phạt 12 đơn vị với số tiền 30 triệu đồng… Đây chỉ là những con số rất nhỏ.
Tăng thuế để giảm số người hút thuốc
Cần có những biện pháp xử lý hiệu quả việc hút thuốc bừa bãi nơi công cộng. Ảnh: Lê Hiếu |
Theo Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Phát biểu tại Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá vừa diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, việc mọi người có thể dễ dàng mua thuốc lá ở nơi công cộng, quán cà phê, nhà hàng, địa điểm vui chơi... và việc giám sát, xử phạt chưa nghiêm đang gây khó cho việc cai nghiện, kéo giảm số người hút thuốc lá ở nước ta.
Theo TS Lokky Wai, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, tổn thất do thuốc lá gây ra ở nước ta là không nhỏ. Tuy nhiên, hiện tại, thuế thuốc lá ở Việt Nam chỉ chiếm 42% giá bán lẻ, thấp hơn mức trung bình của thế giới là 58% và thấp hơn rất nhiều so với khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới và WHO là 65-80%. TS Lokky Wai khuyến nghị, tăng thuế là biện pháp kiểm soát thuốc lá hiệu quả nhất. Khi tăng thuế thuốc lá, số người hút thuốc sẽ giảm, đồng thời nguồn thu cho Nhà nước tăng lên...
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kêu gọi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, không hút thuốc lá. Nếu đã lỡ nghiện thuốc lá thì nên bỏ để không ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của mình và những người xung quanh. Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt những vi phạm về thuốc lá phải được thực hiện nghiêm. Có như vậy, mới có thể phòng chống hiệu quả tác hại của thuốc lá, giảm tỷ lệ tử vong từ các bệnh do thuốc lá gây ra.
Theo Bộ Y tế, mỗi năm người Việt chi 22.000 tỷ đồng để mua thuốc lá và chúng ta phải tốn thêm 23.000 tỷ đồng cho hoạt động điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá (chỉ tính 5/25 bệnh có liên quan). Ảnh hưởng tài chính không nghiêm trọng bằng con số 40.000 người tử vong do thuốc lá mỗi năm và tới đây có thể sẽ lên 70.000 người. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.