Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gian nan chặng cuối

Hồng Hạnh| 18/03/2010 07:00

(HNM) - Với tỷ lệ giải ngân 94,79% và tiến độ triển khai xây dựng đạt 89,79% số phòng học trong nửa đầu giai đoạn 2008-2012 của đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đánh giá: Đây là kết quả khả quan nhất từ trước tới nay, đồng thời thể hiện quyết tâm hoàn thành đề án sớm hơn kế hoạch 1 năm. Dẫu vậy, thực tế triển khai tại các địa phương cho thấy chặng đường trước mắt còn không ít gian nan.

Những con số biết nói

Tại buổi họp giao ban với các địa phương về tình hình triển khai đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên (Đề án) tổ chức đầu tháng 3, Bộ GD-ĐT cho biết, sau 2 năm, các địa phương đã thực hiện đạt mục tiêu, tiến độ và cơ bản hoàn thành kế hoạch vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) giao. Riêng năm 2009 đã có 91,97% tổng nguồn vốn TPCP giao (4.500 tỷ đồng) đã được giải ngân; 28.819 phòng học và 8.087 phòng ở làm nhà công vụ đã được xây dựng.

Vào thời điểm cuối năm 2008, Bộ GD-ĐT đã phải lùi thời hạn hoàn thành kế hoạch năm của đề án đến hết quý I năm 2009 bởi cả nước mới chỉ khởi công được 6% số công trình trong tổng số 10.000 công trình trong kế hoạch. Vì thế, kết quả của năm 2009 được đánh giá là có sự nỗ lực không nhỏ của địa phương và sự tháo gỡ kịp thời của ban chỉ đạo trung ương. Đáng chú ý, dù mới triển khai được nửa giai đoạn, song đã có một số địa phương xin được ứng trước vốn để đẩy nhanh tiến độ nhằm hoàn thành sớm mục tiêu như Thanh Hóa, Lai Châu…

Trường Tiểu học Thanh Trì đã được xây dựng, cải tạo đáp ứng nhu cầu học tập của các em học sinh. Ảnh: Trung Kiên

Tính chung hai năm 2008-2009, cả nước đã xây dựng được gần 56.000 phòng học, đạt 89,79%, tỷ lệ giải ngân tính đến ngày 15-2-2010 đạt 94,79% trong tổng số gần 8.300 tỷ đồng từ nguồn vốn TPCP. Con số ấy cho thấy tiến độ triển khai của đề án, song điều quan trọng hơn, nó nói lên sự hỗ trợ thiết thực cho việc dạy và học của giáo viên và học sinh. 3 cái "được" thể hiện rõ nhất được các địa phương khẳng định là tỷ lệ học sinh ra lớp tăng, sĩ số học sinh được duy trì và việc học của hầu hết con, em trong gia đình đều được người lớn quan tâm.

Áp lực chặng cuối

Mặc dù chỉ còn 11 địa phương giải ngân chậm, chỉ đạt từ 80% đến 90% tiến độ và 5 địa phương đạt dưới 80%, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình của cả nước nhưng đây lại là "đường găng" của tiến độ triển khai đề án. Cao Bằng mới đạt 73%, Sơn La 60,5%, Quảng Bình 69,5%, Phú Yên 72,9%, Kon Tum 59% là những tỉnh còn nghèo hoặc liên tục gặp thiên tai nên không dễ có được vốn đối ứng (nguồn vốn tự có của địa phương và xã hội hóa) nhằm triển khai đề án. Trong khi đó, yêu cầu của đề án là việc kiên cố hóa, hiện đại hóa trường lớp, xây dựng nhà công vụ cho giáo viên phải được thực hiện bằng nhiều nguồn vốn, vốn TPCP chỉ là hỗ trợ. Đơn cử như Tuyên Quang dù được hỗ trợ tới hơn 400 tỷ đồng, song mới chỉ triển khai được khoảng 50% số công trình và đang xin cấp bổ sung vốn bởi không thể huy động được nguồn vốn đối ứng.

Khó khăn tiếp theo là giá cả vật liệu xây dựng liên tục biến động, gây khó khăn cho địa phương trong việc lập dự toán, xác định giá dự thầu và quyết định giá trúng thầu, thậm chí đến khi triển khai lại phải điều chỉnh với nhiều thủ tục phức tạp. Lãnh đạo tỉnh Lai Châu dẫn chứng, định mức đầu tư/phòng học của tỉnh khoảng 410 triệu đồng, cá biệt có nơi tới 1 tỷ đồng, trong khi định mức chi là 300 triệu đồng, vì thế kinh phí hỗ trợ chỉ có thể giải quyết được khoảng 1/3 số phòng học được phê duyệt. Trước thực tế ấy, Bộ Tài chính đã đề xuất tăng tỷ lệ hỗ trợ cho một số địa phương để thúc đẩy tiến độ chung. Tuy vậy, nguy cơ bị dồn áp lực hoàn thành mục tiêu trong chặng cuối của đề án với các địa phương khó khăn là có thực, bởi đây cũng là những địa phương có số lượng công trình cần xây dựng nhiều.

Hà Nội cũng đang đối mặt với một áp lực không nhỏ nhưng ở một góc độ khác. Đó là từ nay tới cuối năm, ngoài việc phải xóa 277 phòng học trong danh mục của đề án (với nguồn vốn TPCP hỗ trợ 58 tỷ đồng), Hà Nội còn có một kế hoạch riêng để xóa 3.700 phòng học tạm, bán kiên cố - tổng mức đầu tư từ ngân sách TP gần 800 tỷ đồng. Nói như Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Thị Hồng Nga là có tiền, nhưng tiêu không dễ, nhất là tiêu đúng mục đích, đúng đối tượng và phải bảo đảm chất lượng, bởi mục tiêu và số vốn đều cao hơn gấp gần 3 lần so với kế hoạch năm 2009.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo từ nay tới hết tháng 4-2010, Ban chỉ đạo Trung ương sẽ khảo sát lại định mức đầu tư cho phù hợp với thực tế để triển khai ngay trong 6 tháng cuối năm 2010. Phó Thủ tướng cũng lưu ý Bộ GD-ĐT thống kê các địa phương có thể sử dụng hết kinh phí trong tháng 6-2010 để xây dựng cơ chế vốn mới, quyết không để địa phương nào giải ngân xong mà không có vốn để triển khai tiếp đề án.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gian nan chặng cuối

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.