(HNM) - Tình trạng sử dụng giấy chứng nhận nghỉ ốm giả đã xuất hiện từ mấy năm trước nhưng thời gian gần đây thì trở nên phổ biến và tập trung chủ yếu tại Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội.
Thống kê của BHXH Hà Nội cho thấy số lượng giấy chứng nhận nghỉ ốm không đúng mẫu, sai chữ ký, con dấu gửi đến để hưởng chế độ lên đến con số hàng trăm. Gần đây nhất, chỉ trong một tuần, Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam (KCN Thăng Long - Hà Nội) có đề nghị BHXH Hà Nội thanh toán chế độ cho gần 20 trường hợp ốm đau. Tất cả các giấy chứng nhận nghỉ việc đều do một bác sĩ có tên là Nguyễn Thị Cường ở Bệnh viện Bạch Mai cấp. Song mỗi giấy chứng nhận lại có một kiểu chữ ký khác nhau. Nghi ngờ có sự giả mạo, cán bộ BHXH Hà Nội đã liên hệ với Bệnh viện Bạch Mai thì được xác nhận, chữ ký và chữ viết trên giấy chứng nhận này không phải của bác sĩ Nguyễn Thị Cường.
Cán bộ BHXH cho biết, theo người lao động khai nhận, chính họ cũng không rõ người và địa điểm làm giấy nghỉ ốm giả ở đâu mà chỉ nghe theo lời mách bảo, người nọ giới thiệu người kia, gọi điện thoại rồi hẹn ở một địa điểm cụ thể để trao tiền và nhận giấy giả. Một số công nhân tại KCN Thăng Long khi trao đổi với chúng tôi còn cho biết thêm, có thể tìm mua loại giấy này tại các nhà thuốc, cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, thậm chí là… cửa hàng photocopy với giá bán theo ngày. Mỗi ngày nghỉ từ 25.000-30.000 đồng. Người mua chỉ cần có chữ ký của bác sĩ, dấu đỏ của bệnh viện là yên tâm nộp cho công ty để thanh toán chế độ và nghỉ làm.
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Biển - Phó phòng Chế độ BHXH, BHXH Hà Nội cho biết, theo phản ánh của đơn vị sử dụng lao động, vì muốn nghỉ đột xuất 1-2 ngày (việc gia đình hoặc việc gấp) nhưng không được tạo điều kiện nên người lao động phải xoay xở giấy nghỉ ốm, tìm cách mua giấy chứng nhận giả để hợp thức hóa lý do xin nghỉ của mình. Chị em có con ốm, họ xin nghỉ 3 ngày nhưng hết 3 ngày con vẫn ốm, họ buộc phải chuyển sang "mẹ ốm" để có thêm thời gian chăm sóc con. Việc sử dụng, mua, bán giấy tờ giả như hiện nay xảy ra nhiều và phổ biến một phần do chế độ được hưởng đã làm "mờ mắt" người lao động. Theo quy định hiện hành, trường hợp người lao động nghỉ việc do đau ốm và có giấy chứng nhận do sở y tế cấp theo đúng quy định sẽ được thanh toán BHXH, người lao động vừa được nghỉ hợp pháp, vừa được thanh toán 75% tiền lương ngày công nghỉ việc.
Để ngăn chặn tình trạng trên, bà Nguyễn Thị Biển cho biết thêm, sau khi phát hiện tình trạng gian lận xảy ra phổ biến và trên phạm vi rộng, trong quá trình giải quyết hồ sơ, tất cả cán bộ và lãnh đạo phòng đã chú ý "soi" kỹ giấy chứng nhận nghỉ của người lao động. Phòng Chế độ BHXH đã yêu cầu các bác sĩ được quyền cấp giấy chứng nhận của các bệnh viện xác nhận chữ ký và con dấu của bệnh viện để kịp thời đối chiếu, so sánh khi cần thiết. Ngoài ra, đơn vị nào có quá nhiều người ốm cùng một thời điểm hay đơn vị khám chữa bệnh, cung cấp giấy nghỉ ốm quá nhiều trong một tháng, một quý... cũng sẽ bị kiểm tra kỹ hơn. BHXH Hà Nội đã có văn bản yêu cầu Công an Hà Nội phối hợp rà soát, kiểm tra để "triệt" tận gốc hành vi này.
Bên cạnh đó cơ quan BHXH Việt Nam cần sớm có sự thống nhất mẫu giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (C65-HD), in một mẫu chuẩn, sau đó chuyển cho BHXH các địa phương để thống nhất toàn quốc. Như hiện nay, cùng là mẫu C65-HD do BHXH Việt Nam cung cấp nhưng mỗi tỉnh lại in một cách khác nhau, ít nhất là về chất liệu giấy và hoa văn, chưa kể các tỉnh thường xuyên thay đổi cách in. Nếu giấy chứng nhận xin ở tỉnh này mà đến tỉnh khác hưởng chế độ thì lại càng khó phát hiện gian lận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.