Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gian lận thi cử và bệnh thành tích

Thanh Phong| 17/06/2012 04:41

(HNM) - Những ngày vừa qua, dư luận bàng hoàng trước clip ghi lại cảnh giám thị ném "phao" và cho HS thoải mái mở tài liệu chép bài trong một kỳ thi tốt nghiệp ở Bắc Giang. Chúng ta hãy cùng nghe ý kiến của các em HS và thầy cô giáo về những hành vi gian lận nghiêm trọng này nhé.

Em Vũ Thị Thoa (học sinh lớp 10, Trường THPT Phan Đình Phùng):

- Việc quay cóp đối với HS trong các kỳ thi, bài kiểm tra không phải là chuyện hiếm. Hành vi gian dối này còn được nhiều bạn coi là chuyện đương nhiên, vì "trót" không học bài hay học lệch tủ thì chỉ còn nước… quay cóp mới đạt điểm cao thôi. Tuy nhiên, không phải HS nào cũng đồng tình với chuyện này. Có nhiều bạn học hành nghiêm túc, không chấp nhận quay cóp. Thầy cô giáo cũng đặc biệt nghiêm cấm các hành vi quay cóp, gian dối trong thi cử để tạo công bằng cho tất cả HS. Khi xem clip trên, em thấy rất bức xúc, hành động thầy giáo ném "phao" hay ra ngoài trông cho HS chép bài đã gây những ấn tượng rất xấu về đạo đức của những người đứng trên bục giảng.

Em Nguyễn Văn Quân (học sinh lớp 12, Trường THPT Kim Liên):

- Đúng là chưa bao giờ em lại thấy những hình ảnh thầy cô giáo tiếp tay cho các hành động quay cóp ngang nhiên đến thế. Điều đáng nói là, trong một phòng thi, người bị để ý, giám sát phải là thí sinh, còn người canh chừng để các em không mắc sai phạm là những giáo viên, thì ngược lại, trong vụ việc này, HS chính là người quay lại cảnh vi phạm của một số thầy cô giáo và giám thị. Em cũng rất mong những người sai phạm trong clip trên cần bị xử lý để đem lại sự công bằng cho các kỳ thi.

Cô Nguyễn Thị Bình (giáo viên dạy văn, Trường THPT Yên Viên):

- Việc thầy cô giáo, giám thị coi thi ngang nhiên ném bài, tổ chức cho học sinh quay cóp tự do và đặc biệt, bị quay clip để tung lên mạng thì có lẽ đây là lần đầu tiên bị phát hiện. Những người thầy, đáng lẽ phải là tấm gương để các em soi vào mà học làm người, thì lại đang có những cách hành xử thiếu trung thực với cấp trên, với xã hội để che đi kết quả dạy học kém cỏi và để khoe một thứ thành tích ảo. Nhà trường cũng tiếp tay cho các hành động gian lận chỉ vì thành tích, vì tỷ lệ đỗ cao của trường.

"Giáo dục sẽ vô hiệu nếu không có gương mẫu", do đó những chuyện gian dối như trên sẽ để lại hậu quả tai hại vì người làm giáo dục lại nêu một tấm gương xấu trước mắt học trò. Theo tôi, cần xử lý nghiêm các hành vi gian lận trong thi cử này. Bởi nó phản ánh một thực tế: Sự gian dối được phát sinh từ trong giáo dục sẽ tạo ra gian dối trong cuộc sống và xã hội sẽ đi đến đâu với những người trẻ đã nhiễm thói gian dối đó?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gian lận thi cử và bệnh thành tích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.