Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gian hàng Việt trên sàn thương mại điện tử quốc tế: Mở lối cho xuất khẩu

Lam Giang| 12/12/2021 06:19

(HNM) - Trong đại dịch Covid-19, giao dịch trực tuyến thông qua thương mại điện tử là phương thức hữu hiệu được nhiều doanh nghiệp lựa chọn với sự hỗ trợ nhiều mặt của các bộ, ngành, địa phương. Việc đưa gian hàng Việt lên sàn thương mại điện tử quốc tế do Bộ Công Thương triển khai mới đây đã mở lối và được kỳ vọng giúp doanh nghiệp Việt Nam rộng cửa xuất khẩu hàng hóa ra thế giới.

Nhờ chủ động kinh doanh và xuất khẩu qua các sàn thương mại điện tử, đến nay Công ty TNHH Nhựa quốc tế Anh Tú đã xuất khẩu sản phẩm nhựa tới 10 thị trường, trong đó có Mỹ, Nhật Bản…

Kênh phân phối hiệu quả

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thị trường thương mại điện tử quốc tế càng trở nên sôi động hơn và việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành một phương thức hữu hiệu cho các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn. Năm 2011, Công ty TNHH Nhựa quốc tế Anh Tú (trụ sở tại quận Ba Đình) bắt đầu kinh doanh và giao dịch hàng hóa qua các sàn thương mại điện tử. Nhờ bước đi hợp xu thế này, đến nay, doanh nghiệp đã xuất khẩu hàng hóa tới 10 thị trường, trong đó có những thị trường lớn và khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… Dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song năm 2021, công ty hướng tới mục tiêu tăng gấp đôi doanh thu so với năm 2020.

Theo Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận (tỉnh Yên Bái) Đỗ Tuấn Lương, nhờ đẩy mạnh việc quảng bá và xuất khẩu hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử quốc tế, đến nay doanh thu của hợp tác xã đã đạt 1 triệu USD. Các sản phẩm chè của hợp tác xã có mặt tại Bắc Mỹ, Trung Đông… “Kinh doanh trên nền tảng trực tuyến quốc tế là giải pháp hữu hiệu, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vươn ra thị trường nước ngoài không chỉ trong thời điểm đại dịch bùng phát mà cả trong tương lai”, ông Đỗ Tuấn Lương nói.

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có tốc độ phát triển thương mại điện tử khá nhanh trong khu vực. Với doanh thu thương mại điện tử toàn cầu đến năm 2023 dự kiến đạt 2.883 tỷ USD, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ là kênh mở rộng thị trường hiệu quả cho doanh nghiệp bên cạnh kênh xuất khẩu truyền thống và từng bước trở thành nhân tố quan trọng của nền kinh tế.

Mở “luồng xanh” đưa hàng Việt Nam ra thế giới

Thương mại điện tử xuyên biên giới được đánh giá là xu hướng tất yếu, các doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc. Tuy nhiên, đối với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, đây còn là lĩnh vực khá mới mẻ do chưa nắm bắt các quy trình, quy định về pháp lý, thủ tục… của nước nhập khẩu.

Với sự vào cuộc tích cực, Bộ Công Thương cam kết sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng thành công trên các sàn thương mại điện tử quốc tế. Vừa qua, Bộ đã hợp tác với các sàn thương mại điện tử quốc tế lớn như Amazon, Alibaba… để thực hiện các chương trình hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp về phương thức đưa hàng lên sàn thương mại điện tử, kết nối vận chuyển, thanh toán quốc tế... Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) hợp tác với sàn thương mại điện tử Vỏ Sò xuất khẩu thành công các lô vải thiều Bắc Giang sang châu Âu trong niên vụ 2021 qua thương mại điện tử.

Mới đây, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã triển khai “Gian hàng quốc gia Việt Nam” trên sàn thương mại điện tử JD.com của Trung Quốc. Đây là một phần trong Chương trình hợp tác cấp Chính phủ về thương mại điện tử giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc. Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Đặng Hoàng Hải cho biết: “Đây là không gian hàng hóa Việt đầu tiên trên sàn thương mại điện tử quốc tế nói chung và nền tảng trực tuyến tại Trung Quốc nói riêng do Việt Nam chủ trì triển khai qua phương thức thương mại điện tử xuyên biên giới”. Được biết, JD là công ty hàng đầu, có uy tín ở Trung Quốc, sở hữu mạng lưới kho bãi phủ khắp các tỉnh, thành phố của Trung Quốc. Do vậy, hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất sẽ được phân phối trực tiếp đến người tiêu dùng của Trung Quốc qua kênh chính thức, uy tín này. Hiện đã có nhiều quốc gia như: Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan… đã xây dựng gian hàng quốc gia trên JD.com.

Để vận hành gian hàng, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) Bùi Huy Hoàng cho hay, đơn vị đã phối hợp với Tổng công ty Bưu chính Viettel, Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng… tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động trên JD.com. Cụ thể, các doanh nghiệp tham gia gian hàng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ tài chính, vận hành, đến giao nhận hàng hóa hay quảng bá hình ảnh, thực hiện các quy định của luật pháp nước nhập khẩu.

Việc ra mắt “Gian hàng quốc gia Việt Nam” trên sàn thương mại điện tử JD.com được kỳ vọng sẽ tạo “luồng xanh” để hàng hóa của nước ta mở rộng thị trường tại Trung Quốc và vươn mạnh ra thị trường quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gian hàng Việt trên sàn thương mại điện tử quốc tế: Mở lối cho xuất khẩu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.