(HNMO) - Ngày 25-12, tại Hà Nội, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại Hà Nội tổ chức hội nghị “Cơ hội cho doanh nghiệp Việt triển khai phân phối trên nền tảng thương mại điện tử trong bối cảnh mới”.
Hội nghị nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam mở rộng kênh phân phối bằng giải pháp ứng dụng thương mại điện tử và chuyển đổi số, liên kết theo chuỗi giá trị. Trong đó có việc tham gia vào “Gian hàng Việt”, trang thương mại trực tuyến cấp quốc gia đang được Cục Thương mại điện tử và kinh tế số chủ trì, bảo trợ, được xem là giải pháp giúp các doanh nghiệp Việt phục hồi sản xuất và tiếp cận thị trường qua phương thức phân phối hiện đại.
Tại hội nghị, ông Hoàng Xuân Hải, đại diện Công ty cổ phần quốc tế VAG chia sẻ câu chuyện sản phẩm khăn mặt của công ty dù đã lọt tốp đầu hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích nhưng khi bán trực tiếp tại cửa hàng lại rất hạn chế do chỉ được những người tiêu dùng xung quanh gian hàng biết tới.
Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại Hà Nội cho biết, cùng với việc phối hợp với các tỉnh, thành, hiệp hội, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, trung tâm đã thực hiện nhiều chương trình quảng bá và phân phối hàng hóa theo phương thức truyền thống. Thời gian qua, trung tâm đã thúc đẩy kết nối hàng Việt lên sàn thương mại điện tử với sự ra đời trang thông tin Nông sản an toàn thành phố với gần 1.000 doanh nghiệp tham gia, trong đó có hơn 400 chuỗi sản xuất nông sản sạch. Tuy nhiên, theo bà Mai Anh, cần thiết lập một hoạt động phân phối trực tuyến có sức lan tỏa mạnh hơn, thu hút nhiều doanh nghiệp Việt hơn.
Theo ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, trên thực tế, việc chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt còn chậm so với thế giới, do đó hạn chế trong phát triển thị trường. Một sản phẩm Việt, dù có chất lượng, nhưng khi đưa lên các gian hàng online, cơ hội tiếp cận khách hàng cũng rất xa vời. Vì vậy một gian hàng chung là "Gian hàng Việt" sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường tốt hơn.
Đây cũng là địa chỉ uy tín để người tiêu dùng mua sắm hàng Việt với chất lượng bảo đảm, chi phí thấp, đồng thời giúp các nhà sản xuất Việt mở rộng kênh phân phối mới, hiện đại trước xu thế tiêu dùng mới, nhằm phục hồi sản xuất sau đại dịch Covid-19.
Nêu thực tế nhiều doanh nghiệp đã hợp tác với sàn thương mại điện tử nhưng chưa thực sự quan tâm vì vẫn chăm chú bảo vệ kênh bán hàng truyền thống, ông Nguyễn Quang Thuật, Phó Tổng Giám đốc Sàn thương mại điện tử Sendo cho rằng, đó là rào cản của lòng tin. Để sàn thương mại điện tử "Gian hàng Việt" hoạt động hiệu quả, hai yêu cầu chính là hàng hóa phải có thương hiệu và chất lượng, đồng thời phải đáp ứng được đối tượng khách hàng mà sàn đang có.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.