Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giãn, giảm nhiều loại thuế, phí: Cơ hội bứt phá cho DN

Hương Ly| 02/02/2013 08:58

(HNM) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01, 02 nêu rõ giải pháp điều hành, triển khai kế hoạch phát triển KT-XH và đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh (SXKD), hỗ trợ thị trường. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, để chính sách hỗ trợ sớm đến được với DN, rất cần sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành.

"Vào cuộc" từ những ngày đầu năm

Báo cáo mới nhất tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 cho thấy, hoạt động SXKD của DN vẫn gặp nhiều khó khăn. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1 giảm 3,2% so với tháng 12-2012. Nhiều ngành hàng có chỉ số tồn kho cao, trong đó tồn kho thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản tăng 26,7%; may trang phục: 23,3%; sản xuất xi măng: 35,7%; sản xuất dây cáp điện các loại: 34,1%. Mặc dù ngay trong những ngày đầu năm, các chủ trương, giải pháp chỉ đạo điều hành nhằm phát triển KT-XH và hỗ trợ thị trường đã được Chính phủ cụ thể hóa tại Nghị quyết 01 và 02 song để chính sách mới sớm đến được tay đối tượng thụ hưởng, rất cần sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng.

Việc giãn, giảm nhiều loại thuế, phí trong năm 2013 sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn vốn để khôi phục và phát triển SXKD. Ảnh: Huy Hùng


Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã triển khai các văn bản hướng dẫn nhằm thực hiện việc gia hạn thuế cho DN, giảm lệ phí trước bạ cho người dân. Theo Bộ Tài chính, những nội dung thực hiện các giải pháp về thuế, phí, lệ phí liên quan đến các giải pháp nêu trong Nghị quyết 02 đã được khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ trong tháng 1. Những nội dung này sẽ được Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5-2013. Theo Nghị quyết 02, lệ phí trước bạ với xe cũ (xe đăng ký lần 2 trở đi) được quy định chung là 2% và thực hiện thống nhất trên cả nước. Với ô tô mới, mức thu sẽ do các tỉnh quy định cụ thể dựa trên khung đã được Quốc hội phê duyệt và Chính phủ hướng dẫn. Một chính sách quan trọng là hoàn lại tiền thuế bảo vệ môi trường đã nộp cũng đang được Bộ khẩn trương thực hiện. Thông tư hướng dẫn hoàn lại tiền thuế bảo vệ môi trường (đã nộp từ ngày 1-1 đến hết ngày 14-11-2012) với túi nilon làm bao bì đóng gói sẵn đang được Vụ Chính sách thuế hoàn thiện và sẽ trình Bộ trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ. Liên quan đến chính sách miễn, giảm, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), giá trị gia tăng (GTGT), ngành thuế đã chủ động chuẩn bị nhiều khâu nhằm giúp chính sách được triển khai sớm ngay sau khi ban hành. Hiện, đơn vị đã hoàn thành thông tư hướng dẫn việc miễn, giảm, giãn thuế, hướng dẫn các nội dung về thuế nêu trong Nghị quyết 02/NQ-CP. Sau khi thống nhất với một số ngành liên quan, Tổng cục Thuế đã trình Bộ xem xét ban hành theo quy định.

Theo các chuyên gia, đây là cách làm mới và quyết liệt của Chính phủ. Trong năm nay, nếu kinh tế dần phục hồi, hoạt động SXKD của DN ổn định giúp số thu ngân sách khá hơn, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất Chính phủ tăng thêm các khoản hỗ trợ cho DN nhằm tạo nền tảng giúp cộng đồng DN khôi phục đà tăng trưởng.

Cần cụ thể hóa chính sách

Những chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã được cộng đồng DN chờ đón và kỳ vọng như một "liều thuốc" hiệu quả nhằm giúp nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn. Chuyên gia kinh tế - tài chính Vũ Đình Ánh cho rằng, Nghị quyết 02 đã cụ thể hóa những vấn đề tồn tại của nền kinh tế hiện nay, gồm giải quyết sản phẩm tồn kho cho các ngành nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, bổ sung tối đa 10.000 tỷ đồng cho chương trình tín dụng đầu tư kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, định hướng rõ về phát triển phân khúc nhà ở xã hội, thông qua đó kích thích thị trường và nền kinh tế… Ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, 2013 tiếp tục là năm nhiều thách thức với DN và thị trường, ngay cả với những DN đã vượt qua được khó khăn của năm 2012. Bản thông điệp của Thủ tướng Chính phủ ngày đầu năm mới đã cam kết có giải pháp mạnh hỗ trợ cộng đồng DN. Cùng với đó, Nghị quyết 01, 02 được ban hành đã tạo niềm tin và kỳ vọng giúp cộng đồng DN vượt qua khó khăn, tạo quyết tâm từ Chính phủ đến các địa phương và các ngành. Tuy nhiên, để chính sách sớm đến với DN, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực điều hành của các cấp quản lý nhằm tạo động lực khôi phục kinh tế.

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cũng nêu ý kiến, những giải pháp tháo gỡ cho thị trường bất động sản cũng như chương trình đầu tư kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn được cho là tháo gỡ cho nhiều ngành công nghiệp, trong đó có ngành sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép… Nhưng quyết liệt từ chính sách vĩ mô của Chính phủ phải song hành với công tác điều hành từ các cơ quan quản lý cấp thực thi mới có thể hỗ trợ được DN và thị trường. Với ngành thép, các DN trong nước không chỉ cạnh tranh với nhau mà còn phải gồng mình cạnh tranh với thép giá rẻ nhập khẩu vào thị trường nhưng chưa có được một hàng rào kỹ thuật bảo vệ, hỗ trợ…

Cộng đồng DN đang kỳ vọng, sau những quyết sách kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành chức năng sẽ sớm có những giải pháp triển khai đồng bộ, hiệu quả giúp DN sớm tiếp cận chính sách hỗ trợ, tạo nền tảng để khôi phục SXKD.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giãn, giảm nhiều loại thuế, phí: Cơ hội bứt phá cho DN

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.