Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm tỷ lệ tổn thất than khai thác là tiết kiệm tài nguyên

Thanh Mai| 09/04/2010 06:29

(HNM) - Những năm gần đây, do mức tiêu thụ than trong nước và xuất khẩu ngày càng lớn, nên sản lượng khai thác than hằng năm đã tăng lên rõ rệt. Năm 2009, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đạt sản lượng than tăng hơn 5 lần so với năm 1995, với 43,5 triệu tấn và theo kế hoạch năm 2010, TKV sẽ khai thác với sản lượng than đạt 47,5 triệu tấn.

Cần có những biện pháp khai thác than hiệu quả để tránh tình trạng tổn thất. Ảnh: Minh Tuấn


Đáp ứng đòi hỏi của thị trường
Than là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý, nguồn năng lượng không tái tạo, nên việc thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng phải tiết kiệm và hiệu quả. Thời bao cấp chỉ sử dụng than tốt có độ tro dưới 45%, còn than có độ tro hơn 45% được xếp loại than xấu, không được tính là sản phẩm. Nhưng từ khi kinh tế phát triển, thị trường đã sử dụng các loại than chất lượng thấp, nên ngành than đã khai thác loại than này để tiết kiệm tài nguyên. Phó Tổng Giám đốc TKV Vũ Mạnh Hùng cho biết, chất lượng than nguyên khai phụ thuộc vào tỷ trọng khai thác than hầm lò và lộ thiên. Không phải cứ xuống sâu là than nguyên khai tốt hơn, vì vậy khi lập kế hoạch về phẩm cấp than, thường phải dựa vào những thông số kỹ thuật đã thu được trong quá trình thăm dò. Đây mới là con số thực tế. Than khai thác hầm lò thường chất lượng xấu hơn do độ bẩn cao hơn so với khai thác lộ thiên.

Ngoài ra, chất lượng than còn phụ thuộc vào cấu tạo vỉa, điều kiện địa chất và phương pháp khai thác. Để nâng cao hiệu quả sản xuất than, đáp ứng nhu cầu thị trường, TKV đã đổi mới công nghệ khai thác, nhất là trong lĩnh vực khai thác hầm lò, tập trung vào cơ giới hóa, chống lò nhằm nâng cao năng suất lao động, an toàn vệ sinh công nghiệp... trên cơ sở hợp tác kinh doanh với các tổ chức trong, ngoài nước theo chỉ đạo của Chính phủ. Trên thực tế, khi áp dụng dự án VINAALTA theo phương thức hợp tác kinh doanh với nước ngoài (trong đó Viện Khoa học công nghệ mỏ góp 40% vốn và Cộng hòa Séc góp 60%) để khai thác bằng cơ giới cho một mỏ của tập đoàn, TKV không phải chi phí đầu tư toàn bộ dự án, mà còn được đối tác chia sẻ rủi ro. Việc đưa cơ giới vào khai thác giúp TKV đánh giá được mức độ, khả năng cơ giới hóa trong tương lai với các đơn vị khai thác tương tự. Hơn nữa, về giá thành, chi phí phải trả chỉ bằng 96% so với trước đây.

Nhờ tăng sản lượng than đúng thời điểm, nên TKV đã có đủ vốn để đầu tư xây dựng các mỏ than hầm lò với yêu cầu vốn đầu tư cao và có cơ hội đầu tư đổi mới công nghệ. Theo quy hoạch ngành than năm 2003, mục tiêu đặt ra cho năm 2015 là sản xuất 26-27 triệu tấn than sạch, nay TKV đã hiệu chỉnh xây dựng để đạt 60 triệu tấn.

Tỷ lệ tổn thất than khai thác giảm
Năm 2005, tỷ lệ tổn thất than khai thác lộ thiên của TKV là 7,58%, đến năm 2009 còn 6,56%; tỷ lệ này ở khai thác hầm lò là 30,64% (năm 2005) còn 28,32% (năm 2009). Chỉ tính bình quân hầm lò giảm 2%, lộ thiên giảm 1% thì trong 5 năm (2005-2009), TKV đã giảm tổn thất khoảng 1,5 triệu tấn than, tương đương 700 tỷ đồng. Theo TKV, chỉ tiêu tổn thất than khai thác giảm chủ yếu là do áp dụng nhiều công nghệ khai thác tiên tiến. Đặc biệt, trong khai thác lộ thiên các mỏ lớn, như Cao Sơn, Đèo Nai, Cọc Sáu, Hà Tu, Núi Béo… tỷ lệ tổn thất giảm do khai thác lại một phần than tổn thất mà theo thiết kế là đã bỏ đi. Việc tăng tận thu than hoặc khai thác lại từ các bãi thải trước đây không bán, nay chế biến lại đã làm tăng được giá trị tài nguyên.

Từ năm 2006, Công ty than Vàng Danh đã triển khai dự án cơ giới hóa lò, sử dụng máy khấu than và dàn chống thủy lực tự hành, cho phép thu hồi than hạ trần, công suất 400.000 tấn/năm. Kết quả của việc thực hiện dự án cơ giới hóa sử dụng dàn chống chế tạo tại Việt Nam, VINAALTA đã khẳng định khả năng áp dụng cơ giới hóa trong điều kiện vỉa dày, góc dốc đến 35 độ, các chỉ tiêu đạt được tốt hơn so với công nghệ sử dụng giá thủy lực di động. Dự án áp dụng thử nghiệm cơ giới hóa khai thác vỉa than dày, dốc bằng tổ hợp dàn chống thủy lực tự hành KDT-1 tại vỉa 7 dốc Tây Vàng Danh thay thế cho công nghệ khai thác buồng, buồng thượng… vốn là các công nghệ cho chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật thấp, nguy cơ mất an toàn lao động cao. Kết quả, sản lượng khai thác bằng công nghệ cơ giới hóa sử dụng dàn chống thủy lực KDT-1 là 35.000T/gương/năm so với sử dụng giá thủy lực là 25.000-30.000T/gương/năm; năng suất lao động cơ giới hóa là 5,8 T/công/ca so với thủ công giá thủy lực: 3,4-3,9T/công/ca; tổn thất than công nghệ là 19% so với 27-29%.

Lựa chọn công nghệ khi "đột phá" sâu
Nghiên cứu tổng hợp tài liệu dự báo của nhiều thế hệ các nhà địa chất cho thấy, địa tầng chứa than của bể than Quảng Ninh có diện tích 1.448km2 gồm hai dải than lớn. Dải Bảo Đài dài 33km, rộng trung bình 5km, dải Phả Lại - Kế Bào dài 113,3km, rộng 5-11km. Với bể than Quảng Ninh nếu xuống sâu tới -1.000m có trữ lượng hơn 10 tỷ tấn than. Từ mức sâu -300m trở lên có 3,6 tỷ tấn, điều đó cho thấy trữ lượng than ở Quảng Ninh còn rất lớn. Những năm qua, TKV đã nỗ lực hoàn thành vượt mức nhiệm vụ được giao là thi công nhiều lỗ khoan sâu từ hơn 300m đến 1.200m. Nhưng với diện rộng như vậy cũng không thể điều tra đánh giá được chính xác tiềm năng than dưới mức -300 ở bể than Quảng Ninh. Chính vì việc đầu tư chưa có bước "đột phá'', nên các mũi khoan thăm dò tỉ mỉ và thăm dò khai thác mới chỉ ở mức -150m, còn từ mức -150m đến -300m phần lớn mới được thăm dò sơ bộ. Để đáp ứng nhu cầu trong nước góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, dự kiến năm 2010 sản lượng khai thác đạt 47-50 triệu tấn than; năm 2015: 60 triệu tấn; năm 2020: 100 triệu tấn. Định hướng phát triển nói trên nhằm đáp ứng nhu cầu về than cho các dự án nhiệt điện, sản xuất xi măng có công suất lớn đi vào hoạt động. Do vậy, việc lựa chọn công nghệ khai thác than phù hợp nhằm tăng độ an toàn trong quá trình khai thác, giảm tổn thất tài nguyên mới đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần cho ngành than tăng sản lượng hằng năm ổn định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm tỷ lệ tổn thất than khai thác là tiết kiệm tài nguyên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.