(HNMO) - Ngày 8-1, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2016 và định hướng nhiệm kỳ 2016-2020. Một trong những nội dung trọng yếu được quan tâm là từ 1- 1- 2016 sẽ có nhiều thay đổi quan trọng trong các thủ tục khai sinh, kết hôn theo hướng đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền địa phương, giảm thời gian, giấy tờ cho công dân. Liệu các tỉnh, thành trên cả nước đã đủ điều kiện sẵn sàng thực hiện.
Theo Cục trưởng Cục Hộ tịch-Quốc tịch-Chứng thực (Bộ Tư pháp) Nguyễn Công Khanh, Bộ Tư pháp đã chủ trì xây dựng và trình Chính phủ xem xét, thông qua Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch (Nghị định 123/2015/NĐ-CP) có hiệu lực cùng với Luật hộ tịch (từ 01/01/2016) theo hướng tạo thuận lợi cho người dân lên hàng đầu, tiến tới mục tiêu lâu dài là phân cấp triệt để thẩm quyền đăng ký hộ tịch cho chính quyền cơ sở khi điều kiện cho phép.
Cụ thể, để tạo thuận lợi cho người dân khi đăng ký hộ tịch, Nghị định đã cắt giảm mạnh các giấy tờ phải nộp, thời gian giải quyết khi đăng ký hộ tịch trong giai đoạn chuyển tiếp. Ngay cả khi thủ tục hành chính (TTHC) quy định giấy tờ phải nộp là bản sao có chứng thực, nhưng nếu người dân chỉ nộp bản chụp giấy tờ (không có chứng thực) thì Nghị định quy định cũng được chấp nhận, nhưng cần có bản chính để đối chiếu.
Song trước mắt, khi đăng ký hộ tịch, người dân vẫn cần nộp, xuất trình một số giấy tờ cần thiết để chứng minh về nhân thân, nơi cư trú, cũng như chứng minh về yêu cầu đăng ký hộ tịch. Khi Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vận hành thống nhất, người dân chỉ cần xuất trình duy nhất 1 loại giấy tờ (có Số định danh cá nhân) khi yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính nói chung, đăng ký hộ tịch nói riêng mà không cần phải nộp giấy tờ để chứng minh về nhân thân, nơi cư trú (bởi khi đó các dữ liệu cá nhân đã được lưu trên hệ thống dữ liệu điện tử).
Cũng tại hội nghị, việc thí điểm triển khai chế định thừa phát lại, công tác lý lịch tư pháp nhận được sự quan tâm đặc biệt của các địa phương. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận định, rất đáng mừng là tình trạng chậm cấp phiếu lý lịch tư pháp bị dư luận, báo chí phản ảnh bấy lâu nay đã cơ bản được giải quyết.
Đối với công tác thi hành án dân sự, mặc dù những hạn chế, yếu kém trong công tác này đã được dần được khắc phục, nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận là công tác này vẫn còn một số tồn tại, bất cập, nhất là vấn đề giải quyết tình trạng án tồn đọng.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự năm 2016, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu yêu cầu Bộ Tư pháp, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả chế định Thừa phát (tổ chức tư thực hiện nhiệm vụ thi hành án- PV) lại theo tinh thần Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội.
Có như vậy, người dân mới có cơ sở lựa chọn dịch vụ thi hành án công hoặc tư tốt nhất, đáp ứng yêu cầu thực thi các bản án, quyết định của tòa án một cách nhanh chóng, chính xác, kịp thời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.