Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm thời lượng, có giảm áp lực?

Thống Nhất| 03/08/2017 06:45

(HNM) - Sau nhiều lần tiếp thu, chỉnh sửa, bản dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 28-7 đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận với việc giảm hẳn số môn học, tiết học.

Thời lượng và số môn học giảm

Điểm mới rõ nhất của dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể mới so với bản dự thảo công bố hồi tháng 4-2017 là thời lượng học tập và số môn học của học sinh các cấp đều giảm, trong đó giảm mạnh nhất là cấp tiểu học. Cụ thể, số tiết học của học sinh tất cả các khối lớp tiểu học đều giảm, trong đó: Lớp 1, 2 giảm từ 1.147 tiết xuống còn 1.015 tiết; lớp 3 giảm từ 1.147 tiết xuống còn 1.085 tiết; lớp 4, 5 giảm từ 1.184 tiết xuống còn 1.120 tiết. Số môn học cũng chỉ còn chia thành 2 loại là môn học/hoạt động bắt buộc và môn học tự chọn.

Việc điều chỉnh số môn học, tiết học hợp lý giúp nâng cao chất lượng dạy và học. Ảnh: Anh Tuấn


Việc cắt giảm thời lượng học tập cũng được áp dụng với cấp THCS, trong đó các môn tin học, công nghệ đều giảm từ 52,5 tiết/năm xuống còn 35 tiết/năm. Đây cũng là các môn học được thiết kế thành các học phần/chủ đề, học sinh được lựa chọn học học phần/chủ đề theo sở thích và năng lực tổ chức của nhà trường. Cấp THPT có tổng số tiết học là 1.015 tiết/năm, trung bình 29 tiết/tuần. Về cơ bản, thời lượng giáo dục học tập ở các môn học (cả bắt buộc và tự chọn) nhất là lớp 11 và 12 đều giảm so với dự thảo trước. Ở cấp học này, học sinh có 7 môn học bắt buộc, gồm ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm, nội dung giáo dục địa phương.

Với hầu hết học sinh, phụ huynh thì đây thực sự là tin vui. Em Nguyễn Hoàng Nam (học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng, Ba Đình) cho biết, rất háo hức khi nghe chủ trương này, mặc dù khi Chương trình Giáo dục phổ thông mới triển khai, em đã tốt nghiệp THPT. “Nội dung trong chương trình cấp THPT hiện nay khá nặng, nhiều lý thuyết và không cần thiết, song chúng em vẫn cố gắng học theo kiểu “dàn hàng ngang”, không dám coi nhẹ môn nào vì sợ ảnh hưởng tới kết quả xét tốt nghiệp THPT. Nếu được lựa chọn môn/nội dung học thì quá tuyệt vời”, em Nguyễn Hoàng Nam hào hứng.

Lý giải về việc giảm thời lượng học tập, đại diện Ban Soạn thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể cho biết, thời lượng học tập trung bình của học sinh Việt Nam hiện nay mới là 6.900 giờ/năm, trong khi tại các nước phát triển là 7.400 giờ/năm. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giảm là cần thiết bởi Việt Nam mới chỉ có 70% số trường tiểu học và rất ít số trường THCS, THPT học 2 buổi/ngày. Thêm nữa, việc tăng hoặc giảm số môn học còn phụ thuộc vào định mức lao động và định mức biên chế giáo viên. Nếu chỉ tăng số giờ học ngoại ngữ ở cấp THCS, THPT từ 3 tiết lên 6 tiết như đề nghị của một số người thì số giáo viên cũng phải tăng gấp đôi ở 11.000 trường THCS và 3.000 trường THPT. Xét từ thực tế hiện nay, có thể thấy đây là một đòi hỏi khó khả thi, nếu làm cho có thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy học.

Không ít băn khoăn

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nếu được áp dụng, xét về mọi khía cạnh, chương trình mới sẽ không giảm tải nhiều so với hiện nay. Khá nhiều giáo viên đồng tình với ý kiến của ông Đào Tuấn Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Anhxtanh (Đống Đa) khi dẫn chứng dự thảo giảm số tiết ở môn này nhưng lại “nhồi” vào môn khác, hoặc cắt môn này, bổ sung môn khác, thậm chí việc giảm số tiết mới là cơ học, chưa lưu ý đến chuyên môn. Ví dụ, môn toán của dự thảo chương trình mới chỉ còn 105 tiết/năm với cấp THPT, chia cho 37 tuần, mỗi tuần học sinh học chưa đầy 3 tiết toán. Sĩ số lớp đông, năng lực tự học yếu, thời lượng học ít, cách thức này dễ nảy sinh bất cập trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh, nhất là với những em muốn học chuyên sâu.

Dù ủng hộ và kỳ vọng nhiều ở chủ trương giảm tải của ngành Giáo dục, song bà Lê Hoàng Yến (phụ huynh học sinh Trường THCS Ba Đình, quận Ba Đình) không giấu nổi lo lắng khi biết thời lượng học toán, ngữ văn - hai môn học cơ bản của học sinh cấp THCS chỉ còn 140 tiết/năm (khoảng 4 tiết/tuần). “Thời lượng học như vậy không thể đáp ứng với yêu cầu của kiểm tra, thi cử hiện nay. Nếu việc đổi mới nội dung chương trình học không đi liền với đổi mới cách thức đánh giá, kiểm tra, học sinh sẽ phải học thêm, dễ dẫn đến tiêu cực” - bà Lê Hoàng Yến thẳng thắn.

Việc trao quyền chủ động cho cơ sở trong việc lựa chọn, bổ sung nội dung giáo dục cũng là nội dung thu hút sự quan tâm của nhiều người. Theo đại diện Ban Soạn thảo, Chương trình Giáo dục phổ thông được xây dựng theo hướng mở với những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc với học sinh toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương, nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung nội dung giáo dục cho phù hợp với đối tượng và điều kiện thực tế. Những trường có điều kiện dạy học 2 buổi/ngày có thể bổ sung dạy học các môn tự chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, tăng cường hoạt động hướng nghiệp, giáo dục kỹ năng sống, hoạt động xã hội…

Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy) cho rằng, chủ trương để học sinh lựa chọn môn học theo sở trường là tạo điều kiện để các em đến gần hơn với ước mơ, nghề nghiệp phù hợp trong tương lai. Tuy nhiên, cũng cần phải xem xét toàn diện hơn về điều kiện triển khai, làm sao để các trường có đủ nhân lực, cơ sở vật chất đáp ứng việc lựa chọn môn học theo mong muốn, tránh trường hợp chỉ tổ chức dạy theo những gì nhà trường sẵn có, để học sinh buộc phải tự chọn như đã từng xảy ra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giảm thời lượng, có giảm áp lực?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.