Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm thiểu bằng tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật

Bài, ảnh: Thùy Ngân| 15/07/2014 06:18

(HNM) - Theo Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN Hà Nội), tính từ đầu năm 2014 đến hết tháng 6, đã xảy ra 73 sự cố vi phạm hành lang an toàn lưới điện (ATLĐ). So với năm 2013, số vụ vi phạm có giảm nhưng diễn biến vẫn phức tạp.

Nhân viên điện lực phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho người dân.


Nếu như năm 2013 trên địa bàn TP Hà Nội có 1.176 trường hợp vi phạm hành lang ATLĐ thì 6 tháng đầu năm 2014 chỉ còn 987 trường hợp, giảm 189 trường hợp, tương đương với 64,3% kế hoạch đề ra. Theo đánh giá của ngành điện, tuy số vụ vi phạm đã giảm nhiều nhưng tính chất, diễn biến vẫn phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu gây sự cố lưới điện mất an toàn là do các đơn vị thi công dự án và người dân xây dựng công trình nhà ở đã sử dụng thiết bị máy móc cơ giới vi phạm khoảng cách an toàn, va quệt vào đường dây trên không hoặc đào đường, đào cống, thi công công trình ngầm chạm phải cáp ngầm. Điển hình như hồi 11h15 ngày 23-4-2014, đơn vị thi công hệ thống thoát nước tại số 79 ngõ 34 phố Vĩnh Tuy đã đóng cọc cừ vào đường cáp ngầm trung thế 22kV (trạm 110kV Mai Động), gây mất điện 46 trạm biến áp cấp điện cho khu vực phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) và một số trạm biến áp cấp điện cho quận Hoàng Mai, khiến hơn 5.000 hộ dân mất điện. Ngày 9-4-2014, người dân xây nhà vi phạm khoảng cách ATLĐ bị phóng điện, gây hỏng dây pha B và C của khoảng cột 4-5 nhánh Phú Lương, phải mất nhiều giờ mới khắc phục xong. Gần đây nhất, ngày 23-6-2014, xe cẩu của Công ty TNHH Tản Viên khi chặt hạ cây xanh đã gây phóng điện khiến Công ty Lưới điện cao thế TP Hà Nội phải khắc phục trong hơn 2 giờ đồng hồ…

Trước tình trạng vi phạm hành lang ATLĐ còn diễn ra khá phổ biến do sự chủ quan và thiếu hiểu biết của người dân, ngay từ đầu năm, EVN Hà Nội đã lên kế hoạch giảm thiểu 25% số vụ vi phạm so với năm trước. Nhất là từ tháng 3-2014, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội tại Văn bản số 2012/QĐ-UBND về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành lang ATLĐ, EVN Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và các quận, huyện, thị xã trên địa bàn, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện tại các khu vực trọng điểm về vi phạm hành lang ATLĐ, kết hợp với cơ quan phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn điện cho đời sống nhân dân trong mùa mưa bão; cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm hành lang ATLĐ như: Thả diều, thả đèn trời, đĩa bay đồ chơi… lên trạm điện; xây dựng, sửa chữa nhà xưởng, công trình lấn chiếm hành lang ATLĐ.

Với mục đích bảo đảm an toàn tính mạng tài sản của nhân dân và sự vận hành ATLĐ, EVN Hà Nội luôn coi trọng công tác tuyên truyền vận động bằng nhiều hình thức. Thường xuyên phối hợp với cơ quan báo chí thực hiện các bài phóng sự; kịp thời thông tin tuyên truyền về công tác bảo vệ hành lang ATLĐ trong nhân dân, ký hợp đồng truyền thanh với các quận, huyện, thị xã tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật về điện lực trên phương tiện loa phát thanh địa phương; hàng nghìn tờ rơi về an toàn điện trong nhân dân, đề phòng tai nạn điện trong mùa mưa bão, bảo đảm an toàn công trình lưới điện cao áp và vận hành hệ thống điện quốc gia; phổ biến một số điều sửa đổi, bổ sung của Luật Điện lực, Nghị định 14/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực, Nghị định 137/2013-NĐ-CP và Nghị định 134/2013-NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực điện lực được các công ty điện lực phát đến tận tay người dân…

Cuối năm 2013 đầu năm 2014 là thời điểm nhiều văn bản liên quan đến ngành điện có hiệu lực thi hành, đòi hỏi cán bộ công nhân viên ngành điện phải được nâng cao trình độ hiểu biết, nắm vững những quy định mới. Chỉ trong quý I-2014, 100% các đơn vị trực thuộc EVN Hà Nội đã hoàn thành khóa học tập huấn công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng cháy chữa cháy, quy trình an toàn điện, bảo vệ hành lang ATLĐ và trải qua kỳ sát hạch để được công nhận đạt yêu cầu. Ngoài ra, công tác tuyên truyền tiết kiệm điện, thay thế bóng đèn sợi đốt, tắt đèn cho giờ trái đất được EVN Hà Nội coi là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên phổ biến rộng rãi trong cộng đồng dân cư.

Sự tích cực tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong lĩnh vực điện lực, cùng với nhiều văn bản liên quan đã có hiệu lực thi hành sẽ là một hành lang pháp lý cho việc bảo vệ lưới điện an toàn và vận hành hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm thiểu bằng tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.