Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm tải tại các bệnh viện tuyến TƯ: Kiên trì giải pháp “hai trong một”

Thu Trang| 13/07/2014 06:03

(HNM) - Cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thị sát, đánh giá việc thực hiện Đề án giảm tải bệnh viện (BV) tại BV Nội tiết trung ương cơ sở 2 và BV K cơ sở 3 - những cơ sở y tế luôn ở trong tình trạng quá tải trong những năm qua.

Những chuyển biến bước đầu

Bệnh viện K từng là BV chuyên khoa ung bướu lâm cảnh quá tải nặng nề nhất cả nước. Thế nhưng, kể từ khi BV này tăng cường thêm 2 cơ sở điều trị nữa, "công cuộc" giảm tải đã có dấu hiệu khởi sắc và đó có thể là bài học kinh nghiệm đáng lưu ý đối với các BV khác, đặc biệt là hệ thống BV trên địa bàn các thành phố lớn.

Cơ sở 3 - Bệnh viện K trung ương có quy mô 1.000 giường với nhiều trang thiết bị hiện đại đã góp phần giảm tải, rút ngắn thời gian khám và điều trị, cải thiện chất lượng dịch vụ phục vụ người dân. Ảnh: Dương Ngọc


Báo cáo kết quả bước đầu thực hiện Đề án giảm tải BV, bác sĩ Bùi Diệu - Giám đốc BV K cho biết, từ tháng 5-2014, BV đã chuyển 8 khoa điều trị cùng toàn bộ phòng chức năng, khoa xét nghiệm từ cơ sở 1 (phố Quán Sứ, Hoàn Kiếm) và cơ sở 2 (Tam Hiệp, Thanh Trì) đến cơ sở 3 (Tân Triều, Thanh Trì). Sau gần 2 tháng đi vào hoạt động, cơ sở 3 tại Tân Triều của BV đã bố trí được 700 giường bệnh, điều trị cho hơn 2.000 bệnh nhân, trong đó thường xuyên có hơn 1.000 bệnh nhân nội trú. Đó là nguyên nhân chính giúp giảm tải cho cơ sở 1 và 2.

Gần đây, đối với các trường hợp không phải làm xét nghiệm phức tạp, thời gian khám trung bình của người bệnh tại cơ sở 1 BV K chỉ còn 120 - 180 phút và tại cơ sở 2 là 120 phút. Những ca khám thông thường diễn ra trong khoảng 30 phút; khám, thực hiện 1 xét nghiệm là 90 phút; khám, thực hiện 1 xét nghiệm kèm chẩn đoán hình ảnh là 120 phút...

Bắt đầu đi vào hoạt động từ cuối năm 2012, với mục tiêu chống quá tải BV, không để bệnh nhân phải nằm ghép, BV Nội tiết trung ương cơ sở 2 đã thành lập thêm một số khoa mới, tăng thêm giường bệnh. Tại đây, các buồng bệnh sạch sẽ hơn, một số phòng có khu vệ sinh khép kín. Khu khám bệnh được bổ sung ghế ngồi chờ, quạt, điều hòa, có bảng điện tử và loa hướng dẫn người bệnh. BV cũng đang triển khai thí điểm chế độ dinh dưỡng đặc biệt, phù hợp bệnh lý của từng bệnh nhân. Tại BV này, thời gian chờ khám bệnh đã giảm từ 3-4 giờ xuống còn 2-3 giờ. Chỉ riêng trong sáng 11-7, BV đã kê đơn cho 65% -70% tổng số bệnh nhân khám ngoại trú. Hiện tại, cơ sở 2 của BV Nội tiết trung ương chỉ còn 7% số bệnh nhân phải nằm ghép, giảm 10 lần so với trước.

Nâng cấp BV đi đôi với cải cách thủ tục hành chính

Diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh cho thấy cần tiếp tục mở rộng khả năng KCB cho hệ thống BV, tiếp tục giảm tải cho BV tuyến trên. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, các BV cần thực hiện tốt việc phân tuyến điều trị, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Chẳng hạn, để giảm tải cho BV Nội tiết trung ương, một số địa phương nên thành lập thêm BV Nội tiết, các BV Đa khoa bổ sung thêm khoa Nội tiết, tiến tới thành lập BV Nội tiết vùng để tập trung chuyên sâu và nâng cao chất lượng KCB. Tương lai không xa, Bộ Y tế sẽ tính phương án thành lập Viện Đái tháo đường quốc gia, thành lập bộ môn nội tiết tại các trường đại học y để nghiên cứu, nâng cao chất lượng KCB và đào tạo, bổ sung cán bộ cho chuyên khoa nội tiết.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Có những kỹ thuật mà BV tuyến trên đã chuyển giao cho tuyến dưới nhưng tuyến dưới vẫn chuyển bệnh nhân lên trên, chứng tỏ vấn đề BV vệ tinh chưa được làm tốt. Với những trường hợp đó, cần tính giải pháp "hạ hạng" của BV tuyến trên.

Theo nhiều chuyên gia y tế, các tỉnh, thành phố cần tiếp tục phát triển hệ thống BV vệ tinh, BV tuyến trên phải có trách nhiệm đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho BV tuyến dưới, coi đó như nhiệm vụ thiết thân. Để thúc đẩy việc này, cơ quan quản lý cần có giải pháp tăng cường trách nhiệm của BV tuyến trên, có hình thức chế tài đối với những nơi lơ là nhiệm vụ.

Chương trình giảm tải tại các BV lớn cho thấy việc mở rộng cơ sở khám chữa bệnh, hoàn thiện trang thiết bị y khoa và điều kiện đáp ứng dịch vụ theo nhu cầu của người bệnh có ý nghĩa quan trọng. Tuy thế, việc nâng cấp cơ sở vật chất chỉ là một trong số yếu tố cần. Điều quan trọng là phải giảm sự phiền hà cho bệnh nhân trong toàn hệ thống, trên phạm vi cả nước.

Chiều 11-7, khi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có mặt tại khu khám bệnh của cơ sở 3 thuộc BV K, nhiều bệnh nhân tỏ ý khen ngợi biện pháp giảm tải của BV, phấn khởi khi khu chờ khám thoáng đãng và đủ tiện nghi. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng bệnh nhân chưa được thầy thuốc giải thích đầy đủ về quy trình sinh thiết và phàn nàn về thủ tục nhập viện. Bệnh nhân Đỗ Xuân Viên (hơn 60 tuổi, ở Thanh Hóa) tỏ ý bức xúc bởi được BV hẹn khám lại vào ngày 8-7 nhưng phải mất mấy ngày mà ông vẫn chưa làm xong thủ tục nhập viện.

Thực tế cho thấy, giải pháp giảm tải phải hướng mạnh vào mục tiêu đơn giản hóa thủ tục tại các BV. Hiện nay, những quy định "tự phát" khiến cho thủ tục hành chính thêm rườm rà, vừa làm mất thời gian vừa phát sinh chi phí gây thiệt hại kinh tế cho người bệnh. Chẳng hạn như việc bắt người bệnh BHYT phải photocopy giấy chuyển viện và thẻ BHYT… Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, ngành y tế đặt mục tiêu rút ngắn quy trình KCB, các BV phải tìm cách đơn giản hóa thủ tục hành chính. Không thể để người dân phải tự photocopy thẻ BHYT, giấy chuyển viện, các BV cần yêu cầu nhân viên tiếp nhận, hướng dẫn làm hồ sơ KCB phải ký xác nhận để quy rõ trách nhiệm. Để giảm phiền hà cho người bệnh, các BV cần tăng cường tiếp nhận thông tin phản ánh của bệnh nhân thông qua đường dây nóng và thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử của thầy thuốc với bệnh nhân, kiên quyết xử lý và đưa ra khỏi ngành những cán bộ, nhân viên y tế vi phạm đạo đức nghề nghiệp. "Hiện nay, dù đường dây nóng đang gây áp lực ghê gớm cho giám đốc BV cũng như cán bộ, nhân viên y tế nhưng Bộ Y tế quyết tâm làm mạnh, mục tiêu là làm trong sạch hóa đội ngũ thầy thuốc" - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giảm tải tại các bệnh viện tuyến TƯ: Kiên trì giải pháp “hai trong một”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.