(HNM) - Làm thế nào để giảm tai nạn lao động là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm khi thảo luận về dự thảo Luật An toàn vệ sinh lao động sửa đổi, chiều 26-11.
Cần tạo môi trường pháp lý để buộc doanh nghiệp phải tăng cường các biện pháp bảo hộ lao động. Ảnh: Bá Hoạt |
Gần 700 người chết mỗi năm do tai nạn lao động
Theo Bộ LĐ-TB&XH, đa phần làng nghề ở Việt Nam đều tự phát, chưa được quy hoạch tập trung nên tình trạng ô nhiễm, mất ATVSLĐ trong sản xuất cũng như trong đời sống ngày càng nghiêm trọng. Ở khối doanh nghiệp, việc tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ cũng chưa nghiêm, nhất là trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều đơn vị thực hiện các quy định chỉ để đối phó với cơ quan quản lý nhà nước. Trong giai đoạn 2006 - 2013, chỉ riêng khu vực tham gia BHXH, số người tử vong do tai nạn lao động là hơn 5.300 người (gần 700 người chết mỗi năm). Hơn 40.000 người thương tật với mức suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên. Tính đến cuối năm 2013, số người hưởng trợ cấp hằng tháng từ cơ quan BHXH do bị tai nạn lao động là hơn 37.000 người.
Hướng tới mục tiêu lâu dài là mọi người lao động đều có cơ hội làm việc trong môi trường an toàn, dự luật ATVSLĐ mở rộng đối tượng áp dụng đối với khu vực không có quan hệ lao động. Ban soạn thảo thiết kế chính sách phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tập trung vào thông tin, tuyên truyền, giáo dục, tư vấn, huấn luyện ATVSLĐ; chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động... Trong chính sách giảm thiểu rủi ro, điểm đáng lưu ý là có thêm mô hình bảo hiểm ngắn hạn nhằm hỗ trợ và bảo vệ người lao động khi gặp tai nạn.
Trách nhiệm của công đoàn cơ sở
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Bùi Sỹ Lợi - người từng là Chánh thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cho biết, ông đồng tình với việc điều chỉnh đối tượng với nhóm không có quan hệ lao động, nhưng băn khoăn về tính khả thi. Vì khai báo về tai nạn lao động lâu nay phụ thuộc phần lớn vào sự chủ động của các đơn vị, số liệu các ngành cung cấp vênh nhau rất lớn. Vậy làm thế nào để cơ quan quản lý nắm được con số thực chất để ứng phó phù hợp với tình hình thực tiễn là vấn đề không đơn giản.
ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Đoàn Hà Nội) đề nghị, Ban soạn thảo cần có lý giải đầy đủ, khoa học hơn; đồng thời cân nhắc việc thực hiện chủ trương trên. "Tôi băn khoăn về tính khả thi khi áp dụng quy định này vì các đối tượng là người lao động không có quan hệ lao động chủ yếu nằm trong các doanh nghiệp có quy mô nhỏ dưới 10 lao động, chiếm hơn 60% tổng số doanh nghiệp và việc kiểm soát ATVSLĐ không đơn giản. Mong muốn để mọi người lao động được bảo đảm ATVSLĐ là tốt nhưng khi triển khai không thực hiện được thì không những không mang lại hiệu quả mà còn có thể tạo hiệu ứng ngược" - ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà nói.
Với việc Ban soạn thảo bổ sung nhiều nội dung nhằm bảo đảm thực hiện ATVSLĐ trong khu vực làng nghề và nông nghiệp, nổi bật là huấn luyện cho nhóm lao động làm việc trong những ngành có nguy cơ cao cũng được ĐBQH đặt dấu hỏi về nguồn lực thực hiện. ĐB Lê Trọng Sang (Đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị, dự luật cần bổ sung quyền khởi kiện của người lao động khi người sử dụng lao động không thực hiện đúng các nguyên tắc về ATVSLĐ, bảo đảm sự công bằng trước pháp luật giữa người lao động và người sử dụng lao động.
ĐB Đặng Ngọc Tùng (Đoàn Đồng Nai), Đỗ Văn Vẻ (Đoàn Thái Bình) cho rằng, ở khối các cơ quan, doanh nghiệp, ý thức tìm hiểu về ATVSLĐ cao hơn khu vực làng nghề, nông nghiệp nhưng vẫn chưa đúng tầm. Nhiều người sử dụng lao động cho rằng, đầu tư cho công tác ATVSLĐ dẫn đến chi phí tăng, kéo theo việc tăng giá thành, mà chưa thấy rằng, đó chính là đầu tư cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Khi có tai nạn chết người xảy ra, lại giấu giếm gây khó cho cơ quan điều tra. Vì vậy, dự thảo luật cần bổ sung quy định công đoàn cơ sở tham gia vào các đoàn điều tra về tai nạn lao động tại cơ sở đó. "Khi ở cơ sở mà có tai nạn lao động chết người thì trách nhiệm của công đoàn cơ sở trước đó còn là thông báo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước biết để cơ quan quản lý nhà nước tiến hành các thủ tục điều tra" - ĐB Đặng Ngọc Tùng đề xuất.
ĐB Đỗ Văn Vẻ (Đoàn Thái Bình): Thiếu bao quát Vấn đề ATVSLĐ đối với những loại hình lao động đặc thù đã được quy định tại chương IV nhưng chưa đề cập tới lao động thời vụ, lao động khoán việc… Dự luật cũng cần xác định trách nhiệm của người khoán việc trong một số trường hợp. Ví dụ, chủ nhà khoán việc cho một người xây nhà ở, người này thuê thợ và tổ chức xây nhà cho chủ nhà. Khi xảy ra tai nạn lao động thì giải quyết như thế nào về mối quan hệ giữa chủ nhà, người nhận xây nhà và người bị tai nạn lao động. Trong trường hợp này, nếu không chuẩn bị đầy đủ thiết bị ATVSLĐ thì ai là người chịu trách nhiệm tôi thấy cũng chưa có lời giải? Bách Senghi |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.