(HNM) - Một thực tế mà ai đã từng đến bệnh viện: Việt - Đức, Bạch Mai, Viện Nhi trung ương… đều có thể dễ dàng nhận thấy người xếp hàng chờ khám dài dằng dặc, bệnh nhân điều trị ở các khoa vẫn phải nằm ghép. Tại phòng cấp cứu lúc nào cũng có bệnh nhân nằm trên băng ca chờ đến lượt.
Không chỉ các bệnh viện tại Hà Nội hay Bệnh viện trung ương Huế, nhiều bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh cũng luôn trong tình trạng như vậy. Quá tải ở các bệnh viện lớn diễn ra từ nhiều năm nay. Cách đây 8 năm, khi nhậm chức, Bộ trưởng Bộ Y tế ông Nguyễn Quốc Triệu đã tuyên bố trong vài năm sẽ chấm dứt bệnh nhân nằm ghép và dù rất cố gắng nhưng…
Bệnh viện quá tải gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội và cho cả ngành y tế. Cán bộ, nhân viên tại các bệnh viện lớn hầu hết đều phải làm việc quá sức. Một bác sĩ không thể đứng bàn mổ từ sáng đến chiều. Phòng bệnh chật chội, nằm ghép dẫn đến bị lây nhiễm chéo, các chuyên gia y tế đã cảnh báo thực trạng này từ lâu, bệnh nhân khỏi bệnh này lại mắc bệnh khác. Rồi ai cũng muốn khám nhanh nên đã sinh ra quà cáp, phong bì, khiến y đức của một số cán bộ y tế xuống cấp. Trong phiên họp ngày 25-9 của Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại biểu Trần Ngọc Tăng (nguyên Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) cho rằng người khỏe đi thăm người thân ở bệnh viện về cũng ốm luôn vì môi trường ở bệnh viện quá ngột ngạt.
Nguyên nhân gây quá tải bệnh viện có nhiều, đầu tiên là người bệnh không tin vào khả năng chuyên môn, trang thiết bị của các cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới. Việc một thanh niên hành hung bác sĩ tại Bệnh viện Thanh Nhàn mới đây là sai trái, cần phải xử lý nghiêm theo pháp luật, song qua sự việc này cũng cho thấy một bệnh viện mấy trăm giường bệnh ở Hà Nội mà không có nổi máy chụp cắt lớp thì các bệnh viện ở vùng sâu vùng xa ra sao?
Để giảm tải cho các bệnh viện trung ương, những năm qua ngành y tế cũng đã triển khai nhiều biện pháp, từ đưa các bác sĩ có chuyên môn cao ở các bệnh viện lớn về công tác một thời gian tại các bệnh viện tuyến cơ sở với mục đích vừa tăng cường cho khâu khám chữa bệnh vừa bổ túc thêm kiến thức và kinh nghiệm lâm sàng cho đội ngũ y bác sĩ ở đây. Để các bác sĩ trẻ có cơ hội rèn giũa chuyên môn đồng thời bổ sung nguồn nhân lực cho các nơi còn thiếu, ngành y tế đã triển khai dự án đưa bác sĩ trẻ về vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó là mở rộng các cơ sở khám chữa bệnh, ví dụ như xây cơ sở 2 cho Bệnh viện K, Bệnh viện Nội tiết trung ương…
Tuy nhiên, cũng trong phiên họp của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Tính (Quảng Trị) đã dẫn ra ví dụ ở tỉnh Quảng Trị mặc dù xây thêm 2 bệnh viện mới nhưng không có bác sĩ, cũng không có bệnh nhân và đại biểu này đặt câu hỏi "hay ngành y tế đã đi chệch hướng trong giảm tải". Thực tế cũng cho thấy là tình trạng giảm mãi vẫn quá tải như đại biểu Tính đặt câu hỏi nghi vấn là có cơ sở. Rõ ràng là quá tải không xảy ra ở tất cả các khoa, vì vậy ngành y tế cần xác định quá tải ở khoa nào thì đầu tư vào đó chứ không nên giảm tải tràn lan. Mặt khác cho đến nay, ngành y tế cũng chưa hề có bảo đảm chính thức nào rằng bệnh viện tỉnh này, huyện kia hoàn toàn có thể chữa trị có hiệu quả các bệnh A hay B. Nếu biết rõ điều đó, tâm lý của người bệnh các địa phương chắc chắn sẽ được giải tỏa, chắc chắn họ không phải ra bệnh viện trung ương vừa tốn kém lại mất thời gian. Thế nên, cái gốc của vấn đề quá tải không chỉ là cơ sở vật chất, số giường bệnh, thiết bị hiện đại… mà còn là yếu tố con người, ở đây là năng lực khám chữa bệnh của đội ngũ cán bộ, y tế tuyến cơ sở, địa phương. Hơn nữa tất cả các giải pháp giảm tải cũng chỉ là giải pháp tình thế, mà quan trọng hơn cả chính là phòng bệnh, các cụ ta xưa rất có lý khi nói phòng bệnh hơn chữa bệnh. Nếu ngành y tế tuyên truyền mạnh về phòng tránh bệnh tật cho dân ắt sẽ giảm được bệnh và khi bệnh tật giảm thì hạn chế được tình trạng quá tải.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.