(HNM) - Nghị định số 79/2007/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký… ra đời với kỳ vọng tạo ra nhiều sự thông thoáng, thuận lợi cho người dân trong hoạt động này, giảm tải cho các phòng công chứng nhà nước.
Hiện nay, ở hầu hết các tỉnh, TP trên cả nước việc xử lý và thực hiện chứng thực đều được áp dụng theo cơ chế "một cửa" tiếp nhận nhưng thực chất là qua hai cửa. Bởi lẽ, người muốn chứng thực chỉ được nộp yêu cầu của mình tại bộ phận "một cửa". Tiếp đến, cán bộ "một cửa" lại chuyển yêu cầu này cho cán bộ tư pháp để ghi sổ, thực hiện công việc chứng thực, chuyển lãnh đạo ký duyệt, đóng dấu. Sau đó, mới chuyển kết quả cho bộ phận "một cửa" để trả lại cho người có yêu cầu chứng thực. Vô hình trung, quy trình này đã làm phức tạp hóa một cách không cần thiết đối với thủ tục chứng thực bản sao. Mặt khác, khó bảo đảm thời hạn đã được quy định trong Nghị định 79 là giải quyết và trả kết quả ngay trong ngày cho công dân.
Kết quả kiểm tra đột xuất tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội ngay khi Nghị định 79 có hiệu lực ít lâu đã chứng minh thực trạng này. Đặc biệt, tại các xã, phường thuộc tỉnh Kon Tum, nhiều trường hợp người dân đến giao dịch không biết chữ buộc cán bộ tư pháp cơ sở phải hướng dẫn, viết thay nên rất mất thời gian, khó hoàn thành tốt tất cả các nhiệm vụ được giao. Đến nay, sau 3 năm thực thi, UBND cấp xã của tỉnh này vẫn chỉ bố trí lịch tiếp nhận và giải quyết yêu cầu chứng thực một số buổi trong tuần vì thiếu người trực, khiến người dân phải đi lại nhiều lần. Trong khi đó, lãnh đạo UBND cấp xã do bận nhiều việc nên việc phân công lãnh đạo trực ký đôi khi vẫn khó khăn. Qua kiểm tra đột xuất của cơ quan chức năng, việc lỗi hẹn trả giấy tờ cho dân ở quận, huyện nào cũng từng xảy ra.
Vì lý do kể trên, Nghị định 79 khi đi vào cuộc sống phần nào vẫn chưa thực sự đạt được mục tiêu đề ra. Nên chăng, để rút ngắn thời gian giao dịch, đẩy mạnh cải cách hành chính, cần giao trực tiếp thẩm quyền ký văn bản chứng thực cho cán bộ tư pháp - hộ tịch thay vì chủ tịch hoặc phó chủ tịch như hiện nay. Một cách làm sáng tạo khác quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đang áp dụng là phân công một cán bộ chuyên trách tiếp nhận và giải quyết việc chứng thực theo quy trình ISO 9001-2000 dù công chức tư pháp không trực ở bộ phận "một cửa". Thế nhưng, để làm được điều này lâu dài thì biên chế cán bộ tư pháp - hộ tịch cũng phải được tăng thêm vì hiện nay công việc tư pháp ở địa phương này cũng đang trong tình trạng quá tải.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.