Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm sức ép tăng giá

Vũ Duy Thông| 27/12/2010 06:59

(HNM) - Năm 2010, chỉ còn đếm từng ngày, Tết Tân Mão cũng đang sầm sập đến, những biểu hiện lạm phát, nhất là giá lương thực, thực phẩm tăng nhanh đang gây tâm trạng lo lắng cho không ít người, nhất là người lao động nghèo.


Mặc dù hầu hết các địa phương đã có chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp gom hàng bình ổn giá chuẩn bị Tết, trong đó Hà Nội dẫn đầu với 500 tỷ, TP Hồ Chí Minh với 360,8 tỷ; mặc dù nhiều doanh nghiệp thông báo đã dự trữ đủ 8 mặt hàng thiết yếu; mặc dù từ ngày 30-11 đến nay, Chính phủ đã hai lần ra chỉ thị và gửi công điện; các Bộ Công thương, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước có nhiều văn bản chỉ đạo, hầu hết các ngành và địa phương đều tuyên bố đã đủ khả năng bình ổn giá, nhưng mấy tháng qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn tăng liên tục. Trước ngày Lễ Noel, Tổng cục Thống kê công bố: CPI tháng 12-2010 của cả nước tăng 1,98% so với tháng 11. Do vậy, CPI cuối năm 2010 đã tăng 11,75% so với cùng kỳ, tính chung cả năm 2010, đã tăng 9,19% so với năm 2009 trong đó tăng cao nhất là nhóm hàng lương thực-thực phẩm, tiếp đến là nhà ở và vật liệu xây dựng, may mặc, mũ nón, giày dép. Với những số liệu này, lạm phát ở nước ta đã đến mức 2 con số, vượt xa chỉ tiêu Quốc hội khống chế. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây tâm lý bất ổn trong người tiêu dùng, đẩy CPI tiếp tục tăng cao.

Nguyên nhân của tình hình CPI tăng có nhiều, trong đó có nguyên nhân mang tính quy luật, nguyên nhân khách quan của năm nay và cả những nguyên nhân chủ quan, nhưng rõ nhất là do biến động của thị trường vàng và USD, thiên tai bất thường trên diện rộng và xu hướng đầu cơ, tích trữ, ép giá trên thị trường. Tháng 12-2010, giá vàng tăng 30%, giá USD tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Vào thời điểm sốt giá nhất, giá vàng đã lên tới 38 triệu đồng/lượng, gần gấp đôi đầu năm 2009. Vàng tăng giá nhanh khiến thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, thị trường hàng tiêu dùng biến động theo. Cùng với đó, những thông tin dai dẳng về sắp tăng giá điện, xăng dầu… là thời cơ tốt để thị trường lợi dụng tăng giá, ép giá kể cả với mặt hàng lương thực - thực phẩm tươi sống, giá thức ăn chín ở các nhà hàng và nhiều mặt hàng khác vốn khá xa với vàng và ngoại tệ.

Thực ra, hàng hóa trên phạm vi cả nước không phải thiếu; lượng vàng và USD dự trữ trong dân khá lớn; thị trường nhà đất cung nhiều hơn cầu; ảnh hưởng thiên tai là có nhưng không đến mức quá nghiêm trọng đối với sản xuất nông nghiệp. Tình trạng CPI tăng vọt (một biểu hiện rõ nét của lạm phát trong đời sống hằng ngày) chủ yếu do nạn đầu cơ, tích trữ, ép giá, tung tin đồn để thu lãi cao, tiêu thụ hàng lậu, hàng trốn thuế vào dịp cuối năm. Hiện nay, gạo đang tồn nửa triệu tấn trong kho nhưng giá lương thực vẫn tăng 4,67%, cao nhất trong các nhóm hàng (chỉ trong một tháng, giá gạo tăng từ 1.000 đồng đến 3.000 đồng/kg) khiến nhiều người lo lắng mua tích trữ gạo. Hiện tượng này chắc chắn là do việc quản lý thị trường và thông tin của ta chưa tốt. Vấn đề sốt giá mặt hàng gạo cũng giống tình trạng chung của nhiều mặt hàng đang tăng giá hiện nay.

Cho nên, để chuẩn bị cho dân vui Tết, trong lĩnh vực thị trường cần thực hiện đồng bộ các mặt công tác theo công điện của Chính phủ từ tăng nguồn hàng, chống đầu cơ, chống buôn lậu và quản lý thị trường chặt chẽ, chống tùy tiện tăng giá, ép giá, phao tin đồn thất thiệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm sức ép tăng giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.