Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm số thí sinh ảo, tăng quyền lợi trúng tuyển

Thống Nhất| 18/05/2022 07:52

(HNMO) - Một trong những dự kiến điều chỉnh đáng chú ý trong quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo là tổ chức lọc ảo chung tất cả các nguyện vọng và các phương thức xét tuyển, thay vì chỉ lọc ảo đối với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông như mọi năm. Đây được xác định là giải pháp hiệu quả giảm số lượng thí sinh ảo, tăng tính minh bạch, tăng quyền lợi trúng tuyển và bảo đảm công bằng cho thí sinh.

 Học sinh tìm hiểu những điểm mới trong quy trình xét tuyển đại học tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2022 tại Hà Nội. 

Minh bạch quy trình tuyển sinh 

Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, về cơ bản, công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2022 vẫn giữ ổn định như năm 2021. Các nhà trường tiếp tục phát huy quyền tự chủ, đa dạng phương thức tuyển sinh căn cứ vào điều kiện thực tế, yêu cầu ngành nghề đào tạo…

Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ thực tế triển khai công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm những năm gần đây, năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến áp dụng phần mềm đăng ký xét tuyển với tính năng lọc ảo chung đối với tất cả các nguyện vọng đăng ký, ở tất cả các phương thức (xét học bạ, xét tuyển kết hợp, xét tuyển căn cứ vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông…). 

Học sinh Nguyễn Thu Trang, Trường Trung học phổ thông Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) đặt câu hỏi: “Vì sao phải đưa tất cả các nguyện vọng, ở tất cả các phương thức vào cùng hệ thống lọc ảo chung? Trong khi các năm trước, việc lọc ảo chỉ áp dụng với phương thức xét tuyển đại học căn cứ vào kết quả thi tốt nghiêp trung học phổ thông? Liệu việc này có gây thêm khó khăn cho học sinh không?”. 

Giải đáp băn khoăn này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thu Thủy thông tin, sự điều chỉnh nói trên xuất phát từ thực tế vài năm gần đây còn tồn tại hiện tượng thí sinh ảo. Một số cơ sở đào tạo xét tuyển bằng các phương thức khác (không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông) yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học ngay, làm mất cơ hội nhập học ở trường có mức ưu tiên cao hơn. 

Năm nay, thí sinh vẫn được bảo đảm quyền lợi khi được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng, ở nhiều phương thức. Tuy nhiên, điểm mới năm nay là tất cả các nguyện vọng này, dù theo phương thức nào đều được lọc ảo chung, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên.

Với cách thức này, thí sinh sẽ trúng tuyển ở một nguyện vọng cao nhất mà không phải lo lắng việc đã chấp nhận nhập học sớm ở trường A, theo phương thức A1, lại mất cơ hội vào trường B, ở phương thức B1, trong khi trường B mới là trường thí sinh có nguyện vọng ưu tiên cao hơn. 

 Học sinh và cán bộ phụ trách công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo trao đổi về cách đăng ký xét tuyển đại học nhằm tăng cơ hội trúng tuyển. 

Hỗ trợ tối đa cho thí sinh 

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có gần 860.000 thí sinh đăng ký để vừa xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, vừa xét tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2022.

Bên cạnh mục tiêu khắc phục những hạn chế của công tác tuyển sinh năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở đào tạo phát huy quyền tự chủ, hỗ trợ tối đa cho thí sinh và không gây xáo trộn trong phương thức tuyển sinh. 

Với tinh thần ấy, bên cạnh việc đa dạng hóa phương thức tuyển sinh nhằm giúp học sinh có nhiều lựa chọn cách thức xét tuyển, các cơ sở đào tạo tiếp tục duy trì, dành phần nhiều chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét học bạ. Theo thống kê sơ bộ, có khoảng 90% số chỉ tiêu xét tuyển đại học dành cho hai phương thức này.

Trước lo lắng của một số thí sinh về số lượng chỉ tiêu dành cho kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông ở một số trường giảm, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy khẳng định, ở hầu hết các trường, việc tăng, giảm chỉ tiêu chỉ dịch chuyển giữa hai phương thức chính là xét tuyển học bạ và xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Vì vậy, vấn đề quan trọng lúc này đối với thí sinh là học tập, ôn luyện thật vững. 

Một quy định mới đem đến cơ hội thuận lợi tốt hơn cho thí sinh năm nay là việc các em được đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm sau kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Theo đó, thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển đại học sau khi thi tốt nghiệp trung học phổ thông xong, thậm chí là sau khi biết điểm thi.

Em Trần Tuấn Anh, học sinh Trường Trung học phổ thông Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) chia sẻ: "Em sẽ đợi đến khi có kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông rồi mới đăng ký xét tuyển đại học. Với cách thức này, cơ hội trúng tuyển sẽ cao hơn bởi việc đăng ký vào trường nào sẽ căn cứ vào kết quả thi". 

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) Lê Việt Dương thông tin, cùng với việc tăng tốc, hỗ trợ tối đa cho học sinh trong học tập, thời điểm này, các trường phổ thông cũng khẩn trương rà soát, hoàn thiện học bạ cho học sinh lớp 12; đồng thời, tổ chức kiểm tra chéo giữa các trường để bảo đảm tính chính xác, minh bạch, làm căn cứ để các cơ sở đào tạo yên tâm sử dụng làm căn cứ xét tuyển. 

Điểm mới trong công tác tuyển sinh đại học năm nay là toàn bộ kết quả học tập (lớp 10, 11 và 12) của học sinh sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo cập nhật lên cơ sở dữ liệu ngành và được đồng bộ sang hệ thống quản lý thi và xét tuyển.

Điều này không chỉ giảm vất vả cho nhà trường, học sinh trong việc in, chứng thực kết quả học tập khi đăng ký xét tuyển theo phương thức học bạ hoặc khi làm thủ tục nhập học, mà còn bảo đảm tính chính xác, khách quan và minh bạch về chất lượng tuyển sinh, tạo sự tin tưởng cho người dân. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giảm số thí sinh ảo, tăng quyền lợi trúng tuyển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.