Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm số lượng, ít sai sót

Thống Nhất| 15/04/2011 07:16

Thí sinh vẫn còn thời gian để bổ sung nguyện vọng (HNM) - Theo quy định của Bộ GD-ĐT, hôm qua 14-4 là ngày cuối cùng các thí sinh (TS) dự thi ĐH, CĐ năm 2011 khai và nộp hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT).


Ít sai sót


Mọi công tác liên quan đến khâu tuyển sinh cần được thực hiện chặt chẽ, bài bản.   Ảnh: Viết Thành

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội quán triệt tới các đơn vị khi triển khai công tác phục vụ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 là hạn chế tối đa những sai sót không đáng có để mọi TS được dự thi theo đúng nguyện vọng đã đăng ký. Vì vậy, các trường THPT, phòng GD-ĐT quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP đều phổ biến, hướng dẫn cho TS về cách ghi hồ sơ ĐKDT, lựa chọn, cân nhắc nguyện vọng phù hợp với nhu cầu, năng lực…

Ở hầu hết địa điểm thu nhận đều có hướng dẫn chi tiết cho TS về việc kê khai từng mục trong phiếu ĐKDT, lưu ý TS cách ghi nguyện vọng ở mục 2 và mục 3 - hai mục mà TS dễ bị nhầm lẫn nhất. Ông Nguyễn Thiết Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên cho biết: Để giúp HS không mắc sai sót khi khai hồ sơ, việc phổ biến những nội dung cần thiết liên quan đến kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ được quán triệt tới từng giáo viên chủ nhiệm, từng cán bộ lớp và toàn bộ hơn 700 HS lớp 12. Sau khi nộp hồ sơ, cán bộ làm công tác tuyển sinh của trường sẽ nhập dữ liệu, tổ chức cho HS từng lớp kiểm tra thông tin, ký xác nhận. Việc phổ biến để HS đọc kỹ và nhớ những quy định trong "cẩm nang" tuyển sinh ĐH, CĐ đã giúp TS tránh được sai sót khi khai hồ sơ, người làm công tác tuyển sinh đỡ vất vả.

Số lượng hồ sơ ĐKDT giảm

Trong ngày cuối nhận hồ sơ, ở nhiều nơi, số TS đến nộp giảm hẳn. Anh Phan Huy Doãn, cán bộ thu nhận hồ sơ của Phòng GD-ĐT huyện Quốc Oai nhận xét: TS đến nộp hồ sơ đông nhất vào hai ngày 12 và 13-4, trong ngày cuối có rất ít. Tính sơ bộ cả đợt (từ ngày 14-3 đến ngày 14-4), Phòng GD-ĐT huyện Quốc Oai nhận được khoảng 500 bộ hồ sơ, giảm 300 bộ so với năm 2010.

Tương tự, Phòng GD-ĐT quận Hoàn Kiếm chỉ nhận được khoảng 300 bộ, ít hơn năm trước 100 bộ; Phòng GD-ĐT huyện Hoài Đức nhận được 700 bộ, giảm 200 bộ; Phòng GD-ĐT quận Ba Đình nhận 500 bộ, giảm 100 bộ. Chị Phan Thị Hạnh, Phòng GD-ĐT quận Đống Đa cho biết, trong ngày cuối cùng (14-4), đơn vị chỉ nhận được khoảng 50 bộ hồ sơ, nâng tổng số hồ sơ của cả đợt lên 700 bộ, bằng 1/2 của năm 2010. Tại một số trường THPT như THPT Việt- Đức, THPT Kim Liên, số lượng hồ sơ đều giảm so với năm trước.

Tình trạng mỗi TS nộp 3-4, thậm chí 5 bộ hồ sơ ĐKDT ĐH, CĐ cũng không còn phổ biến. Theo ông Nguyễn Trọng Hải, cán bộ trực tiếp thu nhận hồ sơ của Phòng GD-ĐT huyện Hoài Đức, hầu hết TS chỉ nộp từ 1-2 bộ/người; rất ít trường hợp nộp 3 hoặc 4 bộ hồ sơ ĐKDT.

Khối A "đắt", khối C "ế"

Mặc dù chưa có thống kê chính thức, song theo phản ánh từ phía tuyển sinh, số lượng hồ sơ ĐKDT vào khối A chiếm trên 50% tổng số hồ sơ. Cụ thể, trong hơn 2.000 hồ sơ của TS Trường THPT Kim Liên, có tới hơn 1.000 hồ sơ đăng ký thi khối A; Trường THPT Việt-Đức có hơn 1.100 hồ sơ thi khối A/2.200 hồ sơ; Trường THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng có hơn 1.000 hồ sơ thi khối A/1.400 hồ sơ … Còn tại địa điểm thu nhận hồ sơ của Phòng GD-ĐT quận Hoàn Kiếm, ông Vũ Mạnh Khiêm đã thống kê, có tới trên 70% số hồ sơ đăng ký thi khối A, còn lại là hồ sơ đăng ký thi khối D, chỉ có vài trường hợp đăng ký thi khối C.

Năm nay, các TS còn quan tâm chọn trường thi thuận tiện cho việc đi lại. Như tại huyện Hoài Đức, có tới 1/4 số bộ hồ sơ của TS nộp tại đây đăng ký thi vào Trường ĐH Công nghiệp, vì trường tuyển sinh khối A và lại nằm trên địa bàn huyện.

Việc đa phần TS ĐKDT vào khối A không phải là điều khác lạ so với mọi năm. Mùa tuyển sinh năm 2010, Hà Nội có tới 55,4% số hồ sơ trong tổng số hơn 159.000 bộ đăng ký thi khối A; sau đó là khối D với hơn 21%, tỷ lệ đăng ký thi khối C chỉ hơn 5%. Bà Tạ Song Hà, Phó trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT Hà Nội) lý giải cho hiện tượng này: ngoài sự hấp dẫn của các ngành nghề thuộc khối A, thì còn có một nguyên nhân khác là số lượng trường có tuyển sinh khối A rất lớn. Cụ thể, trong danh sách 279 trường ĐH, CĐ có tổ chức thi mà Sở GD-ĐT Hà Nội được Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ nhận hồ sơ thì chỉ có 50 trường không tuyển sinh khối A; còn với 149 trường không tổ chức thi năm nay, có tới 132 trường tuyển sinh khối A.

Dẫu vậy, việc khối C "ế ẩm" là vấn đề đáng lưu ý, đòi hỏi các cấp quản lý phải có điều chỉnh phù hợp sao để công tác đào tạo đáp ứng được nhu cầu xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giảm số lượng, ít sai sót

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.