(HNMO) – Thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2014 chiều 11/6, đa số đại biểu nhất trí giám sát 2 chuyên đề: việc thực hiện tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng; chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012.
Trước khi thảo luận, Quốc hội đã nghe Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2014.
Theo tờ trình, Quốc hội dự kiến tiến hành giám sát tối cao tại kỳ họp thứ 7 và kỳ họp thứ 8, tập trung vào một số hoạt động chính là xem xét báo cáo của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật, hoạt động chất vấn và giám sát chuyên đề.
Về lựa chọn nội dung chuyên đề giám sát, tính đến ngày 1/4/2013, Văn phòng Quốc hội đã nhận được 207 nội dung kiến nghị từ 76 cơ quan cần xin ý kiến. Trên cơ sở đó, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 2 trong 3 nội dung sau đây để tiến hành giám sát tại 2 kỳ họp trong năm 2014, cụ thể như sau:
Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quy hoạch, quản lý đầu tư, xây dựng và vận hành các công trình thuỷ điện (Giao Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường chủ trì thực hiện).
Chuyên đề 2: Việc thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng (Giao Ủy ban Kinh tế chủ trì thực hiện).
Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005-2012 (Giao Ủy ban Về các vấn đề xã hội chủ trì thực hiện).
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung tờ trình.
Về giám sát tối cao, các đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước), Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đề nghị cần xem xét báo cáo thường kỳ của Chính phủ về việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Quốc hội phải quan tâm đến việc nay, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm giám sát trực tiếp của Quốc hội, bởi nhờ những văn bản này, luật mới đi vào cuộc sống được.
Dẫn chứng về các con số nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành luật của Chính phủ qua các năm, đại biểu Bùi Mạnh Hùng cũng chất vấn trách nhiệm và các giải pháp của Quốc hội trong việc để xảy ra tình trạng này.
“Việc để xảy ra tình trạng này là do Quốc hội, đã đến lúc chúng ta phải giám sát trực tiếp, không thể nhắc nhở chung chung như trước và phải giao cho các uỷ ban của Quốc hội cùng tham gia giám sát”, đại biểu Bùi Mạnh Hùng đề nghị.
Về giám sát chuyên đề, đa số các đại biểu đều nhất trí tiến hành giám sát chuyên đề 2 và chuyên đề 3 như tờ trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Theo các đại biểu, đây đều là những vấn đề lớn, bức xúc, được đông đảo cử tri quan tâm. Tuy nhiên, các đại biểu cũng lưu ý, việc giám sát không nên vì số lượng mà phải tăng chất lượng và phải chú trọng tới các kiến nghị giám sát để công tác giám sát thực sự đi vào cuộc sống.
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) nhấn mạnh thêm: “Chúng ta nên quan tâm nhiều hơn đến hoạt động giám sát của Quốc hội, tăng cường cả cường độ và chất lượng giám sát, không chỉ chú ý tới giám sát tối cao mà chú ý tới cả các giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các uỷ ban của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và giám sát của cá nhân đại biểu Quốc hội. Nếu chúng ta phát huy được cả 5 loại hình giám sát này thì kết quả đạt được chắc chắn sẽ tốt hơn”.
Nhận xét về việc lựa chọn chuyên đề thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, theo các đại biểu, việc giám sát nội dung này sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình thực hiện đề án tái cơ cấu, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, các đại biểu lưu ý, tên của chuyên đề nên đổi là: giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế chứ không phải là giám sát đề án tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ.
“Việc giám sát chuyên đề về tái cơ cấu kinh tế được đưa vào chương trình năm 2014 là phù hợp. Tôi quan tâm đến các giải pháp, đề xuất của các cơ quan chức năng trong việc tham mưu cho chính phủ giải quyết các vấn đề về khai thông dòng vốn, tồn kho, hỗ trợ doanh nghiệp, nợ xấu…”, đại biểu Lê Trọng Sang (TP Hồ Chí Minh) nói.
Chung ý kiến, đại biểu Nguyễn Thanh Hùng (Đồng Tháp) cũng cho biết: “Qua các đánh giá tại các diễn đàn kinh tế trong nước vừa qua và các cuộc thảo luận về kinh tế - xã hội tại kỳ họp Quốc hội lần này, nhiều đại biểu rất quan tâm đến việc triển khai đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2013-2020. Nếu chúng ta thực hiện việc này chậm trễ, sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội đối với nền kinh tế đất nước hiện nay”.
Về thực hiện chính sách giảm nghèo, các đại biểu đánh giá, nước ta đã có nhiều chính sách pháp luật điều chỉnh và thực hiện chính sách này, mang lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, tình trạng đói nghèo và công tác xoá nghèo hiện nay vẫn còn nhiều bức xúc, cần có giám sát để đánh giá khách quan, trung thực, bởi có giải quyết tốt vấn đề giảm nghèo thì mới giúp ổn định xã hội.
“Trong giai đoạn mới, nhiệm vụ giảm nghèo cũng đặt ra yêu cầu mới, tập trung vào giảm nghèo bền vững. Đồng thời, tạo sự dân chủ và đảm bảo gìn giữ môi trường trong giảm nghèo. Giám sát này sẽ phục vụ cho việc đề xuất những kiến nghị mới”, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) nói.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến gợi mở về các nội dung khác: việc thực hiện chính sách, pháp luật trong bảo vệ giữ gìn nền văn hoá tiên tiến VN đậm đà bản sắc dân tộc; tình hình thực hiện luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong ngân sách nhà nước, cụ thể là chi thường xuyên, chi tiếp khách và đi nước ngoài; việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND cấp xã, phường…
Nghị quyết Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2014 dự kiến sẽ được thông qua vào cuối kỳ họp này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.