Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giám sát lời nói và việc làm

Hoàng Thu Vân| 19/11/2013 05:51

(HNM) - Trong kỳ họp này, dự kiến từ hôm nay 19 đến 21-11 (3 ngày), Quốc hội dành thời gian cho việc chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường.



Điểm mới trong cách thức chất vấn những vấn đề nóng bỏng, được cử tri cả nước quan tâm đối với "tư lệnh" các ngành tại kỳ họp này là Quốc hội sẽ dành cả buổi sáng nay để Phó Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo kết quả việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về các vấn đề đã chất vấn tại những kỳ họp trước. Tiếp đó, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về báo cáo này.

Rất đáng chú ý bởi đây là công việc chưa từng có tiền lệ.

Cũng vì chưa có tiền lệ, nhiều đại biểu Quốc hội khi trao đổi với báo giới bên lề kỳ họp đã cho rằng, hiện nay kết quả thực hiện sau chất vấn đối với những lời hứa, những vấn đề "tư lệnh" từng ngành đã trả lời các đại biểu Quốc hội còn rất chậm. Thậm chí có bộ trưởng đã hứa tại nghị trường nhưng rồi "lời nói, gió bay", chờ hàng năm trời hoặc đến tận cuối nhiệm kỳ cũng không có chuyển biến. Thế nên mới có những vấn đề tại lĩnh vực này, ngành kia, kỳ họp nào cũng được đại biểu Quốc hội đưa ra câu hỏi chất vấn như "đến hẹn lại lên" dẫn tới sự bức xúc của cử tri khi một số vấn đề "nóng" chưa được giải quyết dứt điểm.

Tồn tại tình trạng trên, nguyên nhân là chưa có chế tài giám sát đối với hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội. Vì vậy, trong tương lai, việc sửa đổi Luật Tổ chức hoạt động giám sát của Quốc hội là hết sức cần thiết. Tuy nhiên trước mắt, để Nghị quyết chất vấn và trả lời sau chất vấn có hiệu quả thì các đại biểu dân cử theo dõi, giám sát đến cùng những nội dung bản thân đại biểu đã thay mặt cử tri cả nước chất vấn thành viên của Chính phủ được giao nhiệm vụ tại từng ngành, từng lĩnh vực; tiếp đó, phải có chế tài xác định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của từng cá nhân. Có như thế, việc giám sát lời nói và việc làm của các đại biểu Quốc hội đối với những "tư lệnh" ngành ở từng vấn đề cụ thể mới có thể phát huy được kết quả tích cực.

Đây chính là những "cây gậy" cần thiết về mặt pháp lý mà các đại biểu Quốc hội đang thiếu, đang rất cần. Chỉ khi có "cây gậy" đó trong tay, các đại biểu Quốc hội mới có thể hoàn thành được trọng trách cử tri giao phó.

Cuối cùng, xin nêu một sự việc, có liên quan nhất định tới vấn đề đang bàn luận. Đó là trước khi diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này, sau 5 ngày gửi văn bản xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về danh sách dự kiến người trả lời chất vấn và nhóm vấn đề chất vấn, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ có 296 đại biểu gửi lại ý kiến. Như vậy, tới hơn 200 đại biểu đã không tham gia chọn người chất vấn cùng nhóm vấn đề chất vấn. Rõ ràng, điều đó rất đáng suy nghĩ bởi hiện nay, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn là mối quan tâm hàng đầu của cử tri cả nước trong từng kỳ họp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giám sát lời nói và việc làm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.