(HNM) - Giám sát hoạt động các cơ quan tư pháp chủ yếu mới thông qua hình thức nghe báo cáo; chưa chủ động tìm kiếm, khai thác nhiều kênh thông tin...
Thiếu kiến thức chuyên sâu
Ngoài giám sát tại các kỳ họp, Ban Pháp chế HĐND các cấp còn có thẩm quyền giám sát các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, hoạt động của cơ quan TAND, viện KSND, cơ quan thi hành án, cơ quan điều tra cùng cấp, trong đó có cả kiểm tra trực tiếp việc chấp hành pháp luật trong nhà tạm giữ, trại tạm giam… Tuy nhiên, công việc này hầu như chưa được làm thường xuyên tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội. Nguyên nhân là do hệ thống văn bản pháp luật của các cơ quan tư pháp nhiều, thường xuyên bổ sung, trong khi đó, không ít các thành viên ban pháp chế thiếu kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực tư pháp, nên kết quả giám sát mới chỉ mang tính chất hành chính.
HĐND các cấp cần nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả công tác giám sát hoạt động các cơ quan tư pháp. Ảnh: Thái Hiền |
Trưởng ban Pháp chế HĐND huyện Gia Lâm Phùng Thị Hoài Hương cho rằng, chính do khả năng am hiểu pháp luật còn hạn chế, thiếu thông tin nên khi thành viên của ban đặt câu hỏi với cơ quan chịu sự giám sát thường chỉ là những câu hỏi nhằm thu thập thông tin nên không được đánh giá cao. Điều này dẫn đến ở một số nơi, cơ quan TAND chưa thực hiện kịp thời, nghiêm túc các kiến nghị của chủ thể giám sát, những sai sót chủ quan chưa được khắc phục rõ nét như tỷ lệ án hủy, sửa do lỗi của thẩm phán nhiều hơn yếu tố khách quan; gửi bản án, quyết định cho viện KSND không đúng hạn; án tuyên không rõ khó thi hành và không kịp thời giải thích bản án... Thêm nữa, tâm lý nể nang, né tránh, ngại va chạm của thành viên ban pháp chế cũng là trở ngại lớn trong hiệu quả giám sát.
Trưởng ban Pháp chế HĐND huyện Thanh Oai Lê Thị Huyền nêu cụ thể, qua giám sát tại các cơ quan tư pháp của huyện, năm 2013, tỷ lệ án bị cải sửa và hủy cao hơn những năm trước, hồ sơ thiết lập đối tượng được hưởng án treo còn sơ sài, không bảo đảm quy định. Ngoài ra, cơ quan tư pháp cấp huyện vẫn chưa làm được việc đánh giá đối tượng cải tạo không giam giữ ở địa phương ra sao để nếu họ cải tạo tốt thì đề nghị giảm thời gian thử thách. Đây là lỗi của cơ quan tư pháp, nhưng để tình trạng tái diễn kéo dài cũng còn do năng lực giám sát, kiểm tra của ban pháp chế chưa kịp thời.
Theo đánh giá của HĐND TP Hà Nội, những hạn chế ở huyện Thanh Oai và Gia Lâm cũng là tình trạng chung của hầu hết các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Nguyên nhân thì có nhiều, song yếu tố chính vẫn là trình độ am hiểu về lĩnh vực tư pháp hạn chế, một số thành viên ban pháp chế ngại truy vấn đến cùng những vấn đề gai góc của ngành tư pháp; thời gian dành cho việc giám sát rất ít, thiếu thời gian nghiên cứu kỹ văn bản trước khi giám sát, nên việc nắm vấn đề còn yếu, khiến một vài cơ quan tư pháp thiếu nghiêm túc trong trình bày, giải thích, hiệu quả giám sát thấp.
Cần có đội ngũ chuyên trách
Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội mới có 10 quận, huyện bố trí đại biểu chuyên trách tham gia ban pháp chế, còn lại, các đơn vị vẫn bố trí đại biểu kiêm nhiệm. Ban Pháp chế huyện Thường Tín có 3 thành viên (1 trưởng, 1 phó, 1 thành viên), nhưng cả ba người đều kiêm nhiệm. Bà Nguyễn Thị Minh Xoan, Trưởng ban Pháp chế HĐND huyện Thường Tín cho biết, cũng chính vì cán bộ kiêm nhiệm, nên số lượng các cuộc giám sát, nội dung, thời gian giám sát của ban đối với các ngành tư pháp trên địa bàn huyện còn ít, chưa bảo đảm theo chương trình, kế hoạch đề ra; một số cuộc giám sát chuyên đề về tạm giam, tạm giữ, thực hiện luật phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí… chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu. Tương tự, HĐND huyện Quốc Oai, Ban Pháp chế có 5 thành viên nhưng tất cả đều kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn hạn chế, nên các cuộc giám sát mới ở mức độ thủ tục. Ngoài ra, các thành viên của Ban Pháp chế HĐND huyện Quốc Oai đều là cán bộ chủ chốt các phòng, ban của huyện và các xã, thị trấn, nên trong hoạt động giám sát còn nặng tâm lý nể nang, nhất là các vấn đề liên quan đến địa phương và ngành mình...
Để hoạt động giám sát hiệu quả, HĐND các quận, huyện, thị xã cần tham mưu, đề xuất với cấp ủy thực hiện tốt Đề án "Nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp TP Hà Nội giai đoạn 2011-2016" (Đề án số 04/ĐA-TU) theo hướng có ít nhất một cán bộ chuyên trách, có trình độ liên quan đến ngành tư pháp, làm việc chuyên nghiệp, thạo việc để nâng cao vị thế của ban pháp chế tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ. Khi có cán bộ chuyên trách, họ mới có điều kiện chuyên tâm nghiên cứu kỹ đối tượng, nội dung giám sát và lập luận gắn với đề xuất các giải pháp. Theo Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam, trong lúc chờ đợi Quốc hội ban hành luật về hoạt động giám sát của HĐND các cấp, HĐND các quận, huyện, thị xã cần kiện toàn tổ chức các ban của HĐND, trong đó ban pháp chế cấp huyện phải có trưởng hoặc phó ban chuyên trách...
Tuy nhiên, để các Ban Pháp chế HĐND các cấp hoàn thành chức năng nhiệm vụ của mình thì yêu cầu cấp thiết hiện nay là tăng cường tổ chức bồi dưỡng kỹ năng giám sát, diễn đàn trao đổi học tập kinh nghiệm, đầu tư kinh phí trang bị tài liệu cần thiết phục vụ hoạt động giám sát cho các đại biểu. Chỉ khi có cán bộ đủ năng lực chuyên môn thì mới thực hiện giám sát và tái giám sát các lĩnh vực theo thẩm quyền đạt chất lượng, khắc phục được tình trạng né tránh, ngại va chạm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.