(HNM) - Sai phạm xảy ra tại kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua là bài học kinh nghiệm để Hà Nội tổ chức kỳ thi lớp 10 nhằm đạt kết quả thực chất.
Các thí sinh và phụ huynh sau giờ làm bài thi môn ngữ văn tại Hội đồng thi Trường THPT Việt - Đức. Ảnh: Viết Thành |
Khách quan phần "xét", nghiêm túc phần thi
Năm học 2014-2015, Hà Nội tiếp tục sử dụng phương thức kết hợp thi tuyển với xét tuyển TS vào các trường THPT. Điểm xét tuyển là tổng điểm của ba thành phần: Điểm THCS, điểm thi hai môn ngữ văn, toán (hệ số 2), điểm cộng thêm. Riêng HS dự tuyển vào lớp 10 chuyên, ngoài hai môn thi chung là ngữ văn, toán, phải thi thêm môn ngoại ngữ và môn chuyên. Điểm học tập và rèn luyện của HS ở cấp THCS - một trong những thành phần quan trọng của điểm xét tuyển đã được các nhà trường quản lý chặt chẽ tại phần mềm dùng chung của ngành ngay từ khi HS bước vào học lớp 6, được cập nhật định kỳ đến khi HS hoàn thành chương trình lớp 9. Việc quản lý điểm của HS cấp THCS được Hà Nội triển khai từ nhiều năm nay với quy trình khoa học, có sự giám sát chặt chẽ của cấp quản lý. Để bảo đảm tính chính xác, khách quan trong đánh giá, toàn bộ dữ liệu điểm THCS của từng HS được công bố công khai; việc tổ chức kiểm tra chéo giữa các trường về tính điểm THCS của HS cũng được triển khai tại tất cả các quận, huyện, thị xã từ cuối tháng 5, đến nay không có ý kiến băn khoăn, thắc mắc nào từ phía phụ huynh, HS.
Ngoài điểm THCS, điểm thi chiếm 2/3 trong tổng số điểm xét tuyển, vì vậy, việc giữ nghiêm kỷ luật trường thi, tạo sự công bằng cho mọi HS dự thi được đặt lên hàng đầu. Hơn 8 nghìn giám thị (GT) được chọn lọc kỹ lưỡng, với ba tiêu chí là công tâm, trách nhiệm, thạo việc. Để hạn chế những biểu hiện tiêu cực có thể phát sinh, số GT được điều động theo tỷ lệ 50% là giáo viên THCS không dạy ngữ văn, toán lớp 9, 50% còn lại là giáo viên THPT không dạy hai môn này, và được đổi chéo giữa các quận, huyện khi coi thi. Sự kiên quyết, nghiêm khắc của Ban chỉ đạo và kiểm tra thi thành phố trong việc xử lý vi phạm quy chế thi tại hội đồng coi thi Trường THPT Cầu Giấy trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua đã góp phần tăng cường ý thức, trách nhiệm của cán bộ, giáo viên và HS trong quá trình tham gia kỳ thi.
"Hẹp cửa" nguyện vọng 3
Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô, việc tăng chất lượng nguồn tuyển cho các trường THPT là yêu cầu cấp thiết đối với ngành GD-ĐT. Hà Nội đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng "đầu vào" cấp THPT ngay từ khâu giao chỉ tiêu. Để bảo đảm quyền lợi cho HS, năm nay Hà Nội kiên quyết không giao chỉ tiêu TS cho 7 trường ngoài công lập. Đây là giải pháp chấn chỉnh hoạt động của các trường trên địa bàn thành phố theo hướng có nền nếp và chất lượng thực chất.
Nằm trong hệ thống giải pháp tăng chất lượng nguồn tuyển trong công tác TS vào lớp 10 THPT năm học 2014-2015, Hà Nội chủ trương hạn chế xét tuyển nguyện vọng (NV) 3. Ngày 23-6, tham gia kiểm tra tại hội đồng coi thi Trường THPT Kim Liên, Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT Hà Nội) Ngô Văn Chất khẳng định: Năm nay, Sở GD-ĐT chỉ cho phép một số trường khó khăn về TS được tuyển HS đăng ký NV3 với số lượng hạn chế, ưu tiên những HS có điểm xét tuyển cao nhưng không đỗ NV1 và NV2. Địa bàn TS NV3 được giới hạn ở một số địa bàn nhất định chứ không TS trong toàn thành phố như nhiều năm trước. Ngoài mục đích nâng cao chất lượng "đầu vào" của các trường THPT, cách thức này làm cho việc triển khai TS ở các trường nhanh gọn, hạn chế xáo trộn tại các trường trên cùng địa bàn, đồng thời giúp cấp quản lý thuận tiện hơn trong việc kiểm soát tình hình TS ở cơ sở.
Hôm nay, ngày 24-6, các TS đăng ký dự thi vào các lớp chuyên của 4 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, chuyên Nguyễn Huệ, Chu Văn An và Sơn Tây làm bài thi môn ngoại ngữ và các môn chuyên tương ứng với nguyện vọng. Kết quả thi dự kiến được công bố tại trường THPT - nơi HS đăng ký NV1 - vào ngày 9-7-2014.
- Đề thi hai môn ngữ văn và toán được các thầy, cô giáo đánh giá vừa sức HS, nằm trong chương trình THCS, có tính phân hóa khá rõ nhằm phân loại trình độ HS. Đề thi môn ngữ văn thu hút sự quan tâm tích cực của dư luận khi có câu hỏi ra theo hướng mở, yêu cầu HS vận dụng kiến thức đã học và hiểu biết xã hội để trình bày suy nghĩ về cội nguồn của mỗi con người, qua đó thấy được trách nhiệm của cá nhân trong tình hình đất nước hiện nay. - Tính đến 18h ngày 23-6, báo cáo nhanh của Sở GD-ĐT Hà Nội cho thấy đề thi được bảo đảm tuyệt mật, không phát hiện sự cố về đề thi. Công tác tổ chức thi tại 150 HĐCT diễn ra trật tự. Số TS vắng thi ở môn ngữ văn là 525, ở môn toán là 505 TS. Có 1 TS bị đình chỉ thi do mang điện thoại vào phòng thi. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.