Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm phiền hà, tăng sự hài lòng

Duy Biên| 09/05/2020 06:28

(HNM) - Hà Nội vừa phê duyệt và công bố Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2019 của các sở và cơ quan ngang sở, UBND các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố. Nhìn vào kết quả có thể thấy những tín hiệu đáng mừng khi nhiều đơn vị đã nỗ lực bứt phá, vươn lên mạnh mẽ, phát huy mặt mạnh, khắc phục hạn chế để giảm bớt phiền hà cho người dân, doanh nghiệp và tăng sự hài lòng hơn.

Chỉ số PAR Index là thước đo quan trọng để đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị. Do vậy, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp, từ nâng cao cơ sở vật chất, tăng ứng dụng công nghệ thông tin, đến tăng cường kiểm tra, siết chặt quản lý công vụ, trong đó, việc chấm điểm hằng năm để đánh giá chỉ số cải cách hành chính là một nguồn thông tin quan trọng giúp chính các đơn vị biết được thực trạng của mình, có giải pháp khắc phục.

Trên cơ sở đó, các sở, cơ quan ngang sở, UBND các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố đã nỗ lực trong điều hành, cải tiến phương pháp làm việc, sâu sát lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp và người dân, xóa bỏ dần những rào cản về thủ tục và thái độ gây cản trở, nhũng nhiễu, phiền hà; gắn kết chính quyền với người dân, nhằm xây dựng nền chính quyền kiến tạo, phục vụ góp phần đẩy nhanh tiến độ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị đã góp phần tạo nên những đột phá lớn trong thời gian qua.        

Tuy vậy, những con số từ kết quả vừa công bố vẫn có những điều đáng suy ngẫm. Trong khi nhiều đơn vị tăng điểm hoặc giữ vững những vị trí cao, vẫn còn những đơn vị tụt điểm hoặc nhiều năm ở vị trí thấp. Từ số điểm cũng cho thấy, khối các sở và cơ quan ngang sở, chưa cải cách tốt bằng các quận, huyện, thị xã…

Thực tế, thông qua kết quả PAR Index được công bố hằng năm, mỗi đơn vị đều có sự nhìn nhận, phân tích kỹ lưỡng và đề ra hướng duy trì, cải thiện của riêng mình. Để thực hiện tốt điều này, không chỉ người đứng đầu có quyết tâm mà cần sự vào cuộc tích cực của cán bộ, công chức, viên chức trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Vì vậy, cần tăng cường vai trò cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, thực hiện cải cách hành chính, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, giám sát, công bố kết quả giải quyết thủ tục hành chính; đôn đốc, nhắc nhở, xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm đạo đức công vụ, không chấp hành hoặc chấp hành chưa nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, vi phạm nội quy, quy chế ở cơ quan, đơn vị...

Mỗi đơn vị cũng phải thực hiện tốt cơ chế "một cửa", "một cửa" liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết; đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Mặt khác, cần quan tâm đầu tư trang thiết bị cho bộ phận “một cửa” các cấp và triển khai cơ sở dữ liệu trong tổng hợp, báo cáo, lưu trữ số liệu công tác cải cách hành chính, trong thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa" liên thông.

Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị cần triển khai hiệu quả đề án vị trí việc làm; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thông qua các hình thức đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, dài hạn cho cán bộ, công chức, viên chức trong việc cải cách hành chính.

Giảm phiền hà, tăng sự hài lòng để phục vụ người dân và doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng của công tác cải cách hành chính. Vì thế, các sở và cơ quan ngang sở, UBND các quận, huyện, thị xã của Hà Nội phải luôn chủ động, coi trọng cải thiện chỉ số này để phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giảm phiền hà, tăng sự hài lòng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.