(HNM) - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký Công văn số 3023/UBND-NC yêu cầu các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, sản phẩm công ích thuộc thành phố triển khai thực hiện cơ chế
Trước đó, "Đề án thí điểm thực hiện cơ chế một cửa trong việc cung cấp dịch vụ công" được thực hiện tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội và Công ty Nước sạch số 2 Hà Nội đã tạo chuyển biến rõ nét, nhiều quy trình được rút ngắn, giảm phiền hà cho người dân.
Thay đổi phong cách phục vụ
Theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, thời gian qua, nhiều thủ tục hành chính được rút gọn, công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính đã được quan tâm thực hiện. Trong đó, "Đề án thí điểm thực hiện cơ chế một cửa trong việc cung cấp dịch vụ công" được triển khai tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội và Công ty Nước sạch số 2 Hà Nội lần lượt từ tháng 7-2014 và tháng 1-2015 là điểm sáng.
Để tạo thuận lợi cho công dân, giảm thời gian giải quyết, Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội đã chủ động kiến nghị đơn giản hóa thành phần hồ sơ, thời gian triển khai 6/11 dịch vụ công liên quan đến chính sách bảo hiểm thất nghiệp, 9/11 dịch vụ công được cụ thể hóa quy trình xử lý, được nhiều người lao động gửi thư cảm ơn, khen ngợi. Với bộ dịch vụ công cung cấp nước sạch có 1/7 dịch vụ công được giảm 5 ngày, 3/7 dịch vụ công được đơn giản thành phần hồ sơ, bỏ hẳn yêu cầu có xác nhận của UBND cấp xã trong giấy đề nghị cấp nước sạch sinh hoạt. Nhằm tăng tính đúng hẹn, ngăn ngừa sách nhiễu…, 2 đơn vị còn tiếp tục công khai quy trình giải quyết từng dịch vụ công, nêu rõ thời gian cung cấp. Kết quả, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, số hồ sơ giải quyết đúng hẹn đạt 100%. Với Công ty Nước sạch số 2, dù còn một số khách hàng chậm nộp tiền, chưa thống nhất vị trí lắp đồng hồ…, nhưng lượng hồ sơ giải quyết đúng hẹn đã đạt 86,3%.
Điều đáng nói, qua điều tra xã hội học, chỉ số hài lòng của khách hàng với chất lượng dịch vụ công đều tăng ở cả 2 đơn vị. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Nguyễn Toàn Phong khẳng định, với quy trình triển khai đồng bộ, chính sách khuyến khích, thưởng phạt nghiêm minh, tinh thần cải cách hành chính đã lan tỏa đến từng nhân viên. Điều rút ra được từ thực hiện đề án thí điểm là để thay đổi hẳn lề lối làm việc cũ cần sự quyết tâm vào cuộc của người đứng đầu, cùng với nguồn lực bảo đảm theo nguyên tắc "hậu cần sẵn sàng đi trước".
Nhân rộng mô hình
Từ kết quả của quá trình thực hiện thí điểm, Hà Nội sẽ nhân rộng trong các lĩnh vực phục vụ đời sống dân sinh. Ngày 24-5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký Văn bản số 3023/UBND-NC yêu cầu các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, sản phẩm công ích thuộc thành phố triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Việc thành lập bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính tùy theo tình hình cụ thể, do thủ trưởng các cơ quan, đơn vị (đối với các đơn vị cấp thành phố), thủ trưởng các sở, cơ quan ngang sở, chủ tịch UBND cấp huyện (đối với các đơn vị trực thuộc cơ quan hành chính chủ quản) quyết định nhưng phải bảo đảm thuận tiện để tổ chức, cá nhân đến giao dịch. Cùng với đó, viên chức được bố trí làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cơ quan, đơn vị do thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quyết định theo quy định về phân cấp quản lý. Việc tổ chức và hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phải căn cứ tình hình thực tế và quy định của Trung ương (nếu có); bảo đảm các tiêu chuẩn về diện tích làm việc, bố trí không gian, trang thiết bị… và thực hiện đúng, đủ quy định về công khai theo Quyết định số 07/2016/QĐ-UBND của UBND thành phố. Trong phạm vi quản lý, phụ trách, thủ trưởng các sở, cơ quan ngang sở, chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết các thủ tục hành chính tại đơn vị...
Đại diện Sở Tư pháp, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và Thiết bị đô thị, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội… đều khẳng định sự cần thiết phải áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, hướng tới mục tiêu chung cải cách hành chính của TP Hà Nội và các mục tiêu cụ thể tại từng đơn vị. Trưởng phòng Văn bản pháp quy (Sở Tư pháp) Nguyễn Công Anh chia sẻ, trước đây mua nước sạch sinh hoạt không dễ, chậm thanh toán là bị cắt nước. Vì vậy, khi nhân rộng quy trình giải quyết chung với các thủ tục hành chính đơn giản, khoa học, sẽ thuận lợi hơn nhiều cho người dân. "Bước tiếp theo cần phân biệt thủ tục áp dụng với đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp có đội ngũ khách hàng và chiến lược kinh doanh đặc thù" - Phó Trưởng phòng Kiểm soát Thủ tục hành chính (Sở Tư pháp) Nguyễn Thanh Nga nêu ý kiến.
Là cơ quan tiếp nhận các khó khăn, vướng mắc của các đơn vị trong quá trình thực hiện, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Ngô Anh Tuấn cũng cho rằng, mấu chốt là cần tổng rà soát về tổng số cơ quan, đơn vị cần áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Từ sản phẩm đầu ra của các đơn vị và lĩnh vực hoạt động của họ, đề xuất một mô hình phù hợp với các đơn vị. "Trước mắt, Sở Nội vụ sẽ khảo sát trực tiếp và lấy ý kiến đóng góp từ những đơn vị liên quan; xây dựng dự thảo quy định nguyên tắc, quy trình thực hiện. Với những vấn đề liên quan đến lĩnh vực đặc thù như y tế, giáo dục…, Sở Nội vụ sẽ tổ chức hội thảo cho các nhóm riêng để lấy ý kiến" - ông Ngô Anh Tuấn cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.