(HNM) - Trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, lượng phát thải khí nhà kính ở Mỹ đã tăng tới 6,2% trong năm 2021. Con số này khiến năm 2022, chính quyền Tổng thống Joe Biden và cộng đồng doanh nghiệp xứ Cờ hoa phải nỗ lực hơn nữa trong việc cải thiện môi trường nhằm hướng đến một "tương lai xanh".
Theo Hãng nghiên cứu các vấn đề lớn toàn cầu Rhodium, dù giảm khoảng 10% vào năm 2020 - mức tốt chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ qua nhưng lượng phát thải khí nhà kính ở Mỹ tăng mạnh trong năm 2021. Mức tăng này thậm chí được nhận định có thể cao hơn nếu như toàn bộ các ngành của nền kinh tế nước này vận hành trở lại sau đại dịch Covid-19. Trong số các nguồn phát thải, dẫn đầu là lĩnh vực giao thông với mức tăng 10% trong năm 2021, chủ yếu do sự gia tăng đáng kể hoạt động đi lại của người dân và lượng phương tiện diesel chở hàng phục vụ nhu cầu mua sắm qua mạng. Kế đến là phát thải trong lĩnh vực sản xuất năng lượng, với mức tăng 6,6% do hoạt động sản xuất điện từ than gia tăng.
Thực trạng trên đi ngược lại những cam kết của Mỹ trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, vốn dự kiến tới năm 2030 sẽ giảm phát thải nhà kính 50-52% so với mức của năm 2005. Thay vào đó, Mỹ đã trở lại mốc giảm 17,4% trong năm 2021, là bước lùi so với ngưỡng giảm 22,2% đã đạt được trong năm 2020.
Nhiều nghiên cứu khoa học mới đây cho thấy, sản lượng điện từ gió và mặt trời đã có thể đáp ứng 85% nhu cầu năng lượng của Mỹ, tuy thế Washington cần có những chính sách lớn và mới nhằm đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi từ sử dụng năng lượng hóa thạch sang điện gió, điện mặt trời và các loại năng lượng sạch khác. Đây là cách để Mỹ đạt được những mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và kiểm soát tình trạng trái đất nóng lên. Các chuyên gia của Trường đại học Stanford lạc quan cho rằng, nếu quyết tâm, Mỹ có thể hoàn thành 80% việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo vào năm 2030 và đạt tới mức tuyệt đối 100% vào năm 2050.
Tuy nhiên, bất chấp những thuận lợi về công nghệ và kinh tế, việc chuyển đổi quy mô lớn sang năng lượng tái tạo tại Mỹ khó diễn ra trong một sớm một chiều. Dự luật Tái thiết nhằm hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn (Build Back Better Act), do Tổng thống J.Biden khởi xướng, tới nay vẫn chưa được Quốc hội Mỹ phê chuẩn. Dự luật này cung cấp hàng loạt ưu đãi cho các doanh nghiệp, hộ gia đình có tỷ lệ sử dụng năng lượng sạch cao, đồng thời cắt giảm đáng kể chi phí cho các hoạt động liên quan.
Dù vậy, trong thời gian chờ đợi “tiếng súng hiệu” cho cuộc cách mạng chuyển đổi năng lượng sạch trên quy mô toàn quốc, tiến trình “làm sạch” lưới điện và ngành Giao thông đã được nhiều bang, doanh nghiệp và người dân Mỹ chủ động thúc đẩy. Khi xuất khẩu nông sản gặp khó do tranh chấp thương mại, nông dân Mỹ đã sản xuất điện mặt trời ngay trên nông trại. Một số bang cũng bắt đầu tính phí phát thải khí nhà kính từ hoạt động sản xuất điện. Không chỉ đặt mua hàng trăm xe công vụ là ô tô điện, New York còn đặt mục tiêu 70% lượng điện tiêu thụ vào năm 2030 phải là năng lượng tái tạo, hướng tới mốc 100% vào năm 2040. Các doanh nghiệp lớn của Mỹ như Google, Amazon, Apple… đều đã có những động thái, như việc tìm mua nguồn điện sạch, thậm chí tự sản xuất điện sạch. Bên cạnh nỗ lực sản xuất ô tô điện, nhiều doanh nghiệp còn triển khai chương trình cho các hộ gia đình Mỹ thuê pin mặt trời với giá chỉ 50 USD/tháng.
Mỹ không phải quốc gia duy nhất gây ô nhiễm, bởi mức tăng phát thải khí nhà kính đáng kể còn được ghi nhận tại Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu. Tuy nhiên, với vị thế là nền kinh tế số một thế giới, mọi nỗ lực của xứ Cờ hoa sẽ góp phần tạo ra môi trường sống sạch sẽ, an toàn hơn cho nhân loại hiện nay cũng như các thế hệ mai sau.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.