(HNMO) - Ngày 6-5, Liên hợp quốc (UN) tuyên bố, thế giới phải khẩn cấp cắt giảm lượng khí thải mê tan nhằm kiềm chế tình trạng biến đổi khí hậu. Động thái này gây áp lực lên các nhà hoạch định chính sách của Liên minh châu Âu (EU) đang soạn thảo các quy định về khí mê tan đầu tiên của khối.
Báo cáo của UN cho thấy, thế giới có thể cắt giảm 45% lượng khí thải mê tan do hoạt động của con người vào năm 2030 thông qua việc ứng dụng các công nghệ hiện có. Điều này sẽ giúp ngăn chặn nguy cơ nhiệt độ toàn cầu tăng gần 0,3 độ C vào những năm 2040. Trái lại, nếu không thể thực hiện, những mục tiêu khí hậu toàn cầu sẽ gặp nhiều khó khăn.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, lượng khí thải mê tan trên phạm vi toàn cầu từ các hoạt động của con người đang tăng nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ những năm 1980. Điều này đã phản ánh thực tế trái ngược với mục tiêu cắt giảm 40-45% lượng khí này vào năm 2030 nhằm hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu.
Chỉ đứng sau carbon, khí mê tan là yếu tố lớn thứ hai khiến nhiệt độ toàn cầu gia tăng. Loại khí này có khả năng giữ nhiệt cao hơn khí carbon nhưng phân hủy trong khí quyển nhanh hơn.
Điều này đồng nghĩa với việc hạn chế phát thải khí mê tan trong tương lai gần có thể tác động lớn đến những nỗ lực làm chậm tình trạng ấm lên toàn cầu.
Theo Reuters, chính phủ các quốc gia đang tăng cường hoạt động giám sát khí mê tan nhằm đáp ứng những mục tiêu về khí hậu. Các nhà hoạch định chính sách của EU kỳ vọng khối này sẽ dẫn đầu trong giám sát khí mê tan thông qua đề xuất các quy định hạn chế phát thải loại khí này.
Theo báo cáo của chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cùng Liên minh Khí hậu và không khí sạch (CCAC), ngành nông nghiệp là nguồn phát thải khí mê tan lớn nhất của châu Âu, tiếp đó là các nguồn xả thải như bãi rác và nhiên liệu hóa thạch.
Báo cáo cũng cho biết, trên phạm vi toàn cầu, nông nghiệp chiếm 40% lượng khí thải mê tan, trong khi nhiên liệu hóa thạch chiếm 35% và các nguồn thải khác như bãi chôn lấp rác chiếm 20%.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.