Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm nỗi lo thiếu nước sinh hoạt

Hương Ly| 02/10/2016 07:20

(HNM) - Hiện nay chỉ có 35,5% người dân ở ngoại thành Hà Nội được cung cấp nước sạch đạt quy chuẩn. Tổng lượng nước cung cấp cho người dân tại khu vực nội thành cũng thiếu khoảng 60.000 - 120.000m3/ngày đêm. Nước sạch vẫn là nỗi lo thường trực của người dân Thủ đô.


Chủ trương đầu tư xây dựng hai dự án nhà máy nước mặt sông Hồng và sông Đuống của UBND TP Hà Nội, với kinh phí hơn 8.600 tỷ đồng, được người dân kỳ vọng sớm thành hiện thực, để giảm dần nỗi lo thiếu nước sinh hoạt.

Nỗi khổ mang tên... nước sạch

Sau gần chục năm mưu sinh tại Thủ đô Hà Nội, gia đình chị Đinh Thị Tuyết Mai đã mua được một căn nhà xinh xắn tại thôn Du Nội, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh. Dù rất hài lòng với môi trường sống tại đây nhưng việc phải sử dụng nước giếng khoan nhiều năm nay lại trở thành nỗi lo của gia đình chị. “Khu vực gia đình chúng tôi sinh sống vốn là một nghĩa trang cổ xưa nên nhu cầu được sử dụng nước sạch luôn là mong mỏi lớn của người dân. Bởi sử dụng nước giếng khoan tắm giặt chúng tôi còn thấy sợ, sao dám dùng để ăn uống hằng ngày. Dù tốn kém nhưng gia đình tôi vẫn phải mua nước đóng chai để uống và nấu ăn, dù cũng không chắc, nước tinh khiết có bảo đảm chất lượng hay không” - chị Đinh Thị Tuyết Mai chia sẻ.

Không chỉ người dân khu vực huyện Đông Anh mong mỏi, nước sạch cũng là nỗi lo đau đáu của người dân một số khu vực quận Long Biên. Chị Đặng Thị Ánh, sống tại tổ 34, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội cho biết, nhiều năm nay dân làng Bắc Cầu quá lo lắng về chất lượng nước. “Trạm cấp nước ở ngay đầu làng, nước không thiếu, nhưng cặn vôi quá nhiều. Chỉ cần đun sôi một nồi nước là thấy cặn vôi bám trắng đáy nồi. Hầu như nhà nào cũng phải đầu tư một máy lọc nước. Thế nhưng, quả bóng lọc nước cũng chỉ sử dụng được ít ngày là phải thay vì cặn bám quá nhiều. Mang tiếng có nước sạch mà vẫn khổ sở và tốn kém” - chị Đặng Thị Ánh nói.

Tại quận Hoàn Kiếm, người dân cũng có những nỗi khổ rất "đặc thù" về nước sạch. Bà Nguyễn Thu Ngà, phường Hàng Trống phản ánh, nước sạch ở đây chất lượng khá tốt, không phải dùng máy lọc như nhiều nơi khác trên địa bàn thành phố. Thế nhưng, nước chỉ có theo giờ. Trong khi, không ít gia đình vì nhà chật hẹp nên không có bể chứa nước. Mùa đông còn đỡ chứ mùa hè tình trạng người dân đang tắm, giặt, nấu nướng mà mất nước là chuyện thường ngày”.

Bổ sung hai nhà máy cấp nước

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tổng lượng nước từ các nhà máy nước tập trung cung cấp cho khu vực đô thị của thành phố là 960.000m3/ngày đêm, so với nhu cầu còn thiếu khoảng 60.000 - 120.000m3/ngày đêm. Tại khu vực ngoại thành Hà Nội, tỷ lệ người dân được cung cấp nước sạch đạt quy chuẩn hiện chỉ đạt khoảng 35,5%. Trong khi, các dự án nước sạch nông thôn trên địa bàn các huyện của Hà Nội lại chậm triển khai. Các nguồn nước khai thác tại chỗ cũng không bảo đảm trữ lượng, chất lượng…

Ông Lê Hồng Quân, Trưởng phòng Hạ tầng cấp - thoát nước, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trên địa bàn 17 huyện và thị xã Sơn Tây có 94 công trình cấp nước tập trung nông thôn đang hoạt động theo mô hình: Thôn, xóm, xã tự quản, hợp tác xã, doanh nghiệp quản lý. Ngoài các công trình cấp nước nói trên, khoảng 5% dân số vùng ven đô thị được sử dụng nước từ hệ thống cấp nước đô thị thành phố, chủ yếu là các huyện Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn.

Tuy nhiên, trên thực tế người dân tại một số khu vực, cả ở nội thành và ngoại thành, vẫn trong tình trạng “khát” nước sạch. Để khắc phục tình trạng này, mới đây UBND TP Hà Nội đã có văn bản chấp thuận đề xuất của Sở Xây dựng về việc xây dựng hai nhà máy nước mặt sông Hồng và sông Đuống. Theo ông Lê Hồng Quân, việc xây dựng Nhà máy Nước mặt sông Hồng đã được UBND thành phố giao cho Công ty cổ phần Nước mặt sông Hồng làm chủ đầu tư, với quy mô công suất 300.000m3/ngày đêm; diện tích nhà máy khoảng 20,5ha; công trình thu, trạm bơm cấp 1 khoảng 0,6ha; tổng mức đầu tư của dự án khoảng 3.692,3 tỷ đồng. Chủ đầu tư đang giải phóng mặt bằng và chuẩn bị các thủ tục liên quan để khởi công dự án trong tháng 10 này.

Đối với Nhà máy Nước mặt sông Đuống, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt và chấp thuận các nhà đầu tư gồm: Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, Công ty TNHH MTV Ứng dụng công nghệ mới và Du lịch, VIAC (No.1) Limited Partnership, Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống. Quy mô dự án đến năm 2020 là 300.000m3/ngày đêm, chia làm 2 kỳ đầu tư. Dự án có diện tích sử dụng đất dự kiến khoảng 60ha, tại xã Phù Đổng và Trung Mầu, huyện Gia Lâm. Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 4.998 tỷ đồng. "Với việc xây dựng và đưa hai nhà máy nước vào sử dụng, chắc chắn nhiều điểm trên địa bàn của Thủ đô sẽ thoát khỏi tình trạng “khát” nước sạch" - ông Lê Hồng Quân cho biết.

Được biết, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận và đang chỉ đạo Sở Xây dựng rà soát, nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm cả khu vực đô thị và nông thôn; dự kiến thực hiện trong năm 2017. Trong đó, có việc cập nhật nhu cầu, phạm vi sử dụng nước sạch, các công nghệ sản xuất nước sạch tiên tiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm nỗi lo thiếu nước sinh hoạt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.