(HNMO) - Đây là chủ đề cuộc hội thảo “Giải pháp tài chính cho rủi ro thiên tai tại Việt Nam” do Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Thế giới phối hợp tổ chức ngày 15-11 tại Hà Nội.
Thống kê cho thấy, Việt Nam là quốc gia phải gánh chịu nhiều nguy cơ thiên tai, như bão, lốc xoáy, lũ lụt và hạn hán. Ước tính khoảng 60% tổng diện tích đất đai và 71% dân số phải chịu nguy cơ bão và lũ lụt. Hàng năm, Việt Nam phải chịu tổn thất kinh tế trực tiếp bình quân do bão và lũ lụt là 30 ngàn tỷ đồng, tương đương khoảng 0,8% GDP.
Tổn thất có thể lên đến trên 130 ngàn tỷ VNĐ đối với những năm có bão, lũ lụt nghiêm trọng. Trong vòng 50 năm tới, với xác suất 40%, Việt Nam có thể phải chịu thiệt hại vượt quá 141,2 ngàn tỷ đồng do lũ lụt, bão gây ra.
Trước tình hình đó, Chính phủ Việt Nam có nhiều công cụ tài chính khác nhau để bảo đảm tài chính nhằm ứng phó và khôi phục thiên tai, như dự phòng ngân sách ở trung ương và các địa phương, bố trí ngân sách, dự trữ nhà nước, quỹ dự trữ tài chính... Song trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn eo hẹp, việc xây dựng một chiến lược tài chính dài hạn để ứng phó với thiên tai là hết sức cần thiết.
Tại hội thảo, các chuyên gia khuyến nghị cần phải xây dựng chiến lược bảo vệ tài chính dựa trên chương trình tổng thể quản lý rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu chung. Bên cạnh, nguồn vốn ngân sách, cần khuyến khích và coi khu vực tư nhân là đối tác thiết yếu có thể đóng góp về vốn, chuyên môn kỹ thuật và các giải pháp tài chính sáng tạo để bảo vệ tốt hơn cho chính quyền và xã hội nhằm đối phó với thiên tai.
Theo ông Nguyễn Hữu Chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính, thiên tai và biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường. Thiệt hại do thiên tai có thể lên đến 3,6% -4,1% GDP, ngân sách nhà nước sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc hỗ trợ và khắc phục thiên tai.
Việc xây dựng và phát triển các hệ thống giải pháp về tài chính mới trong công tác quản lý rủi ro thiên tai là rất cần thiết. Giải pháp về bảo hiểm chính là một công cụ giải pháp hữu hiệu, không chỉ nhằm giảm nhẹ gánh nặng ngân sách nhà nước mà còn góp phần tăng cường nhận thức về rủi ro thiên tai, xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.