Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm nghèo: Vẫn là chuyện ”cần câu” hay ”con cá”

Thế Phương| 26/04/2013 06:04

(HNM) - Chiều 22-4, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến về giảm nghèo bền vững, triển khai nhiệm vụ năm 2013 và định hướng thời gian tới. Theo Ban Chỉ đạo giảm nghèo trung ương, tỷ lệ hộ nghèo cả nước hiện nay vào khoảng 9,6%.

Mục tiêu của Chính phủ đến cuối năm 2013, tỷ lệ này giảm xuống còn 7,6% và năm 2015 là 5% theo chuẩn nghèo hiện hành. Giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, những năm vừa qua, nhiều chương trình đã được thực hiện với sự vào cuộc tích cực của nhiều cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế, do vậy, công cuộc xóa đói giảm nghèo tuy đã đạt được hiệu quả nhưng chưa thực sự bền vững.

Việt Nam đã thực hiện nhiều chương trình xóa đói giảm nghèo, mang lại hiệu quả tích cực, tuy nhiên tỷ lệ người nghèo vẫn cao một phần do các chương trình, chính sách giảm nghèo còn rời rạc và bị phân mảng. Triển khai nhiều chương trình với sự tham gia của các cơ quan chức năng và toàn xã hội dẫn đến sự chồng chéo. Nhiều chính sách đơn lẻ là các hợp phần của những chương trình, mục tiêu được quản lý bởi các bộ, ngành khác nhau đã tạo ra một lượng lớn thời gian, tiền bạc cho chi phí giao dịch trong quá trình thực hiện.

Chưa kể những vấn đề phát sinh do thiếu tính đồng bộ. Có một thực tế là, nếu chính quyền địa phương "có quan hệ", người dân sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ các chính sách giảm nghèo của Nhà nước và các chương trình trợ giúp của cộng đồng. Ngược lại, nhiều khu vực dân cư còn nhiều khó khăn nhưng không được nhận, hay nhận được rất ít sự trợ giúp từ xã hội.

Để xóa nghèo, trước hết cần nhận diện chính xác đối tượng nghèo, đó là nghèo tĩnh hay nghèo động. Những người được đánh giá là nghèo hiện nay thiếu năng lực, thiếu điều kiện để thoát nghèo hay không muốn thoát nghèo do quan niệm sống… Từ đó đưa ra các giải pháp mang tính bền vững. Và trong vấn đề này, "con cá" hay "cần câu" luôn mang tính thời sự. Nhiều người cho rằng, không thể tiếp tục giúp người nghèo thoát nghèo bằng cách tặng nhà, tặng phương tiện sống... bởi đây là cách xóa nghèo nhanh nhưng chỉ có ý nghĩa tức thời. Muốn xóa nghèo bền vững, Nhà nước, các tổ chức xã hội cần mang đến cho người nghèo những phương thức phát triển mới. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ, ngăn ngừa, loại trừ các yếu tố gây rủi ro chứ không chỉ là khắc phục hậu quả sau rủi ro. Đặc biệt, việc hỗ trợ giảm nghèo phải được xác lập trên nguyên tắc ưu tiên cho các vùng có khả năng, điều kiện thoát nghèo nhanh và có thể lan tỏa sang các vùng lân cận.

Dạy nghề, nâng cao trình độ cho lao động nông thôn tiến tới chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp cũng là giải pháp hết sức quan trọng. Đây có thể xem là chìa khóa để giúp người dân tự thoát nghèo bằng việc làm tại chỗ hoặc nâng cao mức thu nhập tại chỗ. Tuy nhiên, để đào tạo nghề có hiệu quả, gắn với giải quyết việc làm và giảm nghèo cho lao động nông thôn, nhất thiết phải xác định được nhu cầu học nghề của người lao động ở từng vùng, miền và theo từng nghề cũng như cấp độ đào tạo. Thực tế nhiều nơi cho thấy, do không xác định được các yếu tố này dẫn đến tình trạng đầu tư "công cốc, công cò" vào những nghề người lao động không muốn học và doanh nghiệp trên địa bàn không có nhiều nhu cầu sử dụng. Thêm nữa, để giảm nghèo bền vững, lao động nông thôn không chỉ cần được nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp mà còn cần được trang bị những kiến thức cần thiết về khởi nghiệp, quản trị... để khi có cơ hội, họ có thể nắm bắt, chuyển nghề phù hợp.

Để giảm nghèo bền vững, Nhà nước và các tổ chức xã hội cần mang đến cho người nghèo những cái "cần câu", nghĩa là cần hỗ trợ phát triển hạ tầng, hỗ trợ nghề cũng như các điều kiện tiếp cận cơ hội phát triển kinh tế dựa vào cộng đồng như việc xuất khẩu lao động, doanh nghiệp đầu tư vào vùng khó khăn… Đương nhiên các chương trình xóa đói, giảm nghèo trên tinh thần "tương thân, tương ái" mang tính xã hội cao cũng rất cần được khuyến khích bởi nhiều nơi, nhiều trường hợp người nghèo vẫn phải lo miếng ăn hằng ngày trong thời gian chờ đợi chính sách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm nghèo: Vẫn là chuyện ”cần câu” hay ”con cá”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.