Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm ngăn cách Đông - Tây

Quỳnh Chi| 04/05/2011 06:40

(HNM) - Sau 7 năm chờ đợi và xem xét, cuối cùng, Đức cũng đã quyết định mở cửa hoàn toàn thị trường lao động cho 8 nước thành viên phía Đông mới gia nhập Liên minh châu Âu (EU) năm 2004.


Như vậy, kể từ ngày 1-5 vừa qua, công dân của CH Séc, Slovakia, Estonia, Latvia, Lithuania, Hungary và Slovenia được phép gửi hồ sơ đăng ký vào bất kỳ vị trí công việc nào ở Đức - "cỗ máy" kinh tế lớn nhất châu Âu. Động thái tích cực của Berlin được đánh giá sẽ phần nào làm giảm bớt hố sâu ngăn cách vốn tồn tại lâu nay giữa 2 nhóm thành viên cũ và mới, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh của ngôi nhà chung EU đã 61 năm tuổi.

Mở cửa thị trường lao động, Đức thực hiện chiến lược thu nạp nhân tài.

Sự kiện kết nạp một lúc 10 thành viên mới (ngày 1-5-2004) được xem như bước ngoặt lớn của EU trong quá trình mở rộng, song đây cũng là dấu mốc khởi đầu thời kỳ bùng nổ những mâu thuẫn sâu sắc trong "đại gia đình" này. Hàng loạt rào cản ở mọi lĩnh vực, trong đó có những hạn chế về thị trường lao động do một số thành viên cũ lập ra cho các "tân binh" gần như đã dựng một hàng rào đỏ giữa Đông và Tây trong một thời gian dài.

Không giống như những trụ cột khác của EU như Anh, Ireland và Thụy Điển - mở cửa thị trường lao động ngay sau thời điểm kết nạp hàng loạt quốc gia Đông Âu hay như Italia, Hà Lan, Pháp lần lượt dỡ bỏ mọi rào cản về lĩnh vực này trong 4 năm tiếp theo, Đức vẫn duy trì các hạn chế và coi đó như biện pháp bảo vệ nền kinh tế mà Berlin cho rằng "dễ đổ vỡ" của mình trước làn sóng tìm việc từ thị trường bên ngoài.

Vì vậy, sự đảo ngược quan điểm của Berlin đã gây không ít bất ngờ cho các nước trong EU nhất là vào thời điểm hiện nay. Dù nền kinh tế tăng trưởng 3,6% trong năm 2010, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống ngưỡng thấp nhất trong vòng 20 năm qua nhưng không ai dám khẳng định, Đức không chịu ảnh hưởng của cơn bão nợ đang khiến cả khu vực quay cuồng suốt từ quý II năm ngoái.

Giải thích cho vấn đề này, nhiều nhà hoạch định chiến lược cho rằng, việc mở cửa thị trường lao động sẽ giúp nước này lấp đầy khoảng trống lớn ở những vị trí công việc đòi hỏi trình độ cao. Mới đây, Bộ trưởng Kinh tế Đức Rainer Bruderle cũng khẳng định, Đức đang thiếu 66.000 chuyên gia công nghệ thông tin để tăng cường vị thế là một trong những nền công nghiệp hàng đầu thế giới.

Ý định của Berlin không khỏi khiến các thành viên non trẻ lo ngại về một làn sóng "chảy máu chất xám" sẽ diễn ra. Và quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất rất có thể là Ba Lan. Vì theo kết quả điều tra gần đây nhất của Tổ chức tuyển dụng việc làm Pracodawcy RP, hằng năm vẫn có khoảng 300.000 đến 400.000 người tới Đức để tìm việc. Tình trạng này hoàn toàn có thể xảy ra ở những quốc gia Đông Âu khác. Vì theo con số thống kê gần đây nhất, kể từ khi mở cửa thị trường lao động năm 2004, Vương quốc Anh đã tiếp nhận tới gần 2 triệu lao động đến từ Đông Âu. Số lao động đổ sang Đức sắp tới có thể sẽ còn hơn nữa. Vì là một đầu tàu kinh tế châu Âu, thị trường lao động Đức luôn được đánh giá là cạnh tranh nhất khu vực với điều kiện làm việc hoàn hảo, mức lương hấp dẫn, có thể cao gấp 2, thậm chí gấp 3 lần so với các quốc gia khác. Lẽ dĩ nhiên với quyết định mở cửa hoàn toàn thị trường lao động, lực lượng lao động phổ thông ở các quốc gia láng giềng phía Đông sẽ không bị ngăn cản khi tới Đức; nhưng cũng sẽ rất khó để những lao động phổ thông có thể vượt qua được các yêu cầu khắt khe của những nhà tuyển dụng ở nước này.

Không chỉ có Đức, từ ngày 1-5 vừa qua, Áo cũng quyết định "giải phóng" hoàn toàn thị trường lao động. Thế nhưng, nhiều nhà phân tích cho rằng, trong thời gian tới, nhiều nước thành viên có nền kinh tế yếu kém phải chuẩn bị đối mặt với tình trạng mất cân đối trong thị trường lao động nội địa trước chiến lược thu nạp nhân tài của các quốc gia "đàn anh" trong EU.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm ngăn cách Đông - Tây

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.