(HNMO)- Từ ngày 24/12, lãi suất huy động VND ngắn hạn từ 1 đến dưới 12 tháng chỉ còn 8%/năm thay vì 9% như trước; lãi suất cho vay bằng VND đối với một số lĩnh vực ưu tiên còn 12%/năm.
Ngày 21/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành các văn bản điều chỉnh giảm lãi suất.
Tại Quyết định số 2646, NHNN đồng loạt điều chỉnh giảm thêm 1% đối với các mức lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng.
Theo đó, NHNN giảm lãi suất tái cấp vốn từ 10%/năm xuống 9%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 8%/năm xuống 7%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 11%/năm xuống 10%/năm.
Đáng chú ý, cùng với việc giảm lãi suất điều hành, NHNN quyết định điều chỉnh giảm lãi suất huy động và cho vay bằng VND đối với nền kinh tế bằng việc ban hành Thông tư số 32 và 33. Thông tư 32 quy định lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng giảm từ 9%/năm xuống 8%/năm. Riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô được cơ quan điều hành ấn định mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng là 8,5%/năm.
Ảnh minh họa |
Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên vẫn do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ấn định trên cơ sở cung-cầu vốn thị trường.
Riêng với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, lãi suất giữ nguyên mức 2%/năm.
Tại thông tư 33, NHNN đưa lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.
Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm từ 13%/năm xuống 12%/năm, bổ sung thêm nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô ấn định lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND tối đa là 13%/năm. Mức lãi suất cho vay 12%/năm của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là phù hợp với mức giảm lãi suất tiền gửi và chủ trương của Chính phủ, định hướng của Thống đốc NHNN về giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Quyết định hạ lãi suất được NHNN đưa ra sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 2012 được cho là đã kiềm chế thành công. CPI tháng 12 của Hà Nội tăng 0,26% so với tháng trước và cả năm tăng 6,29%. Bình quân cả năm, CPI của Hà Nội chỉ tăng ở mức 1 con số, (8,57% so với cùng kỳ năm ngoái). Đây là kết quả rất tốt bởi thấp hơn nhiều so với dự báo. Còn tháng 12-2012, CPI trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tăng 0,17% so với tháng trước. Như vậy, cả năm 2012, CPI tại đây chỉ tăng 4,07%, rất thấp đối với một đô thị lớn, sôi động nhất nước.
Dù chưa có con số chính thức về CPI cả nước năm 2012 nhưng nếu xét ở mức tăng là 6,52% trong 11 tháng qua kết hợp với thực tế thị trường tháng 12 vẫn ổn định thì có lẽ mức tăng CPI năm nay sẽ khó vượt quá 7% đạt yêu cầu của Quốc hội đề ra.
Trước đó, để đón đầu xu hướng giảm lãi suất, một số ngân hàng lớn nhỏ đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND, đưa lãi suất tiền gửi phổ biến không kỳ hạn hiện ở mức 1-2%/năm; kỳ hạn dưới 1 tháng 2%/năm; từ 1 tháng đến dưới 12 tháng 8,8%-9%/năm, từ 12 tháng trở lên 10-11,5%/năm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.