(HNM) - Sắp tới kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2-9, như có quan điểm là dịp cuối "vét" khách trong mùa du lịch hè 2013. Tuần qua, mật độ thông tin về tour, dịch vụ du lịch trong dịp nghỉ lễ nói trên bắt đầu dày hơn hẳn, đặc biệt là thông tin về hành trình xuất phát từ TP Hồ Chí Minh.
Các hãng lữ hành lớn quảng bá cho loạt tour được thiết kế cho đợt này không thể nói là thiếu phong phú. Tour trong nước có, tour ra nước ngoài có, hành trình dài bên những chuyến đi ngắn ngày, du lịch nghỉ dưỡng đơn thuần hay kết hợp khám phá, mua sắm…
Điểm qua thông báo của một số hãng lữ hành lớn, dễ thấy không nơi nào bỏ qua chính sách kích cầu - đa số tập trung cho giải pháp giảm giá, coi đó là yếu tố cơ bản để thu hút khách hàng. Thông tin khác, cũng nhằm mục tiêu kích cầu như nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo thêm giá trị gia tăng, mở tour mới lạ… cũng có, nhưng hầu hết không tạo sức thuyết phục thực sự đối với khách hàng, đơn giản vì khá chung chung, kiểu như "giảm giá, chất lượng không giảm". Từ thông tin được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, có thể xác định xu hướng tư duy về giải pháp kích cầu hiện khá đơn giản, không đầy đủ. Giảm giá là tốt, là điều có thể thấy được ngay - qua mức giá tour được công bố, nhưng lấy gì để bảo đảm chất lượng dịch vụ không đi xuống?
Thực tế cho thấy, đa số tour giảm giá hoặc được trợ giá hiện nay được thực hiện trong điều kiện nhất định, thực chất là giảm giá có điều kiện. Như với nhiều tour ra nước ngoài, đặc biệt là tour tới một số nước trong khu vực Đông Nam Á, Châu Á, mức giá công bố thường khá dễ chịu nhưng kèm theo đó là một lịch trình được xây dựng tỉ mỉ nhằm tạo thêm nguồn kinh phí hỗ trợ từ điểm đến cho các hãng lữ hành. Chẳng hạn, khi đưa khách đến nước A, lịch trình bắt buộc là phải qua siêu thị này, công viên kia, cửa hàng trang sức nọ, khách không muốn cũng không được bởi nếu bỏ qua những điểm đến ấy thì hãng lữ hành không được nhận hỗ trợ để giảm giá tour… Xét về giá trị, chuyến đi ấy có "rẻ" hay không? Chưa chắc, bởi khoản chi quy ra tiền của khách có giảm nhưng họ có thể tốn thời gian vô ích, mua nỗi bực dọc vào người vì ăn uống không đúng giờ, không có đủ thời gian nghỉ ngơi sau một hành trình "như ma đuổi", sáng sớm xua nhau đi tối mịt mới "bò" về khách sạn.
Giảm giá là yếu tố cần cho giải pháp kích cầu, nhưng chưa đủ. Chiến lược đúng phải nhắm tới việc bảo đảm chất lượng dịch vụ, sự phong phú về loại hình tour gắn với nhu cầu đa dạng của từng nhóm khách hàng, tức là hàm lượng chất xám trong sản phẩm, dịch vụ phải tăng lên. Nhà cung cấp dịch vụ không cần cam kết chia sẻ lợi nhuận, bởi trong thực tế thì ít người tin vào điều đó, nhưng buộc phải thực hiện chu đáo trách nhiệm chăm sóc khách hàng, giữ chữ tín trong việc thực hiện hợp đồng, thực sự coi đó là giải pháp quan trọng nhất nhằm thu hút khách. Vụ Công ty TNHH MTV Dịch vụ du lịch cuộc sống (Travel Life) "bỏ rơi" 700 khách hàng của mình ở Thái Lan cách nay hai tháng cho thấy, khi doanh nghiệp tìm mọi cách giảm giá tour mà "đơn giản hóa" trách nhiệm bảo đảm quyền lợi của khách thì hậu quả có thể lớn thế nào.
Nhà nước có thể hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành, điểm đến thông qua chính sách, giải pháp vĩ mô, nhưng không thể bảo đảm cho họ sự thành công nếu bản thân người làm du lịch không chủ động tìm cách thoát ra khỏi sự trì trệ, cả về tư duy và cách làm. Không thấy được nghĩa vụ bảo đảm quyền lợi của khách hàng giữ vị trí trung tâm, quyết định sự thành bại của doanh nghiệp thì dù có giảm giá bao nhiêu cũng khó có được sự phát triển bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.