Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm giá thịt lợn là trách nhiệm xã hội, đạo đức, văn hóa của doanh nghiệp

Ngọc Quỳnh| 30/03/2020 14:08

(HNMO) - Ngày 30-3, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường có buổi làm việc với 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn để bàn các giải pháp bình ổn giá thịt lợn.

Quang cảnh hội nghị.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, đến nay, tổng đàn lợn cả nước đạt gần 24 triệu con, bằng gần 74% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh Dịch tả lợn châu Phi (khoảng 31 triệu con vào tháng 12-2018). Trong đó, đàn lợn nái còn 2,72 triệu con, bao gồm 109 nghìn con giống nguồn, cơ bản đáp ứng việc tái đàn lợn; tốc độ tái đàn bình quân 3 tháng đầu năm 2020 tăng 6,2%. 

Dự kiến, tổng sản lượng thịt lợn năm nay đạt 3,9 triệu tấn (quý I đạt 811 nghìn tấn, quý II đạt 950 nghìn tấn, quý III đạt hơn 1 triệu tấn và quý IV là 1,083 triệu tấn). Như vậy, đến cuối quý II, đầu quý III, nguồn cung từ chăn nuôi đáp ứng khoảng 90% nhu cầu thịt lợn; đến cuối quý III và quý IV, đáp ứng đủ nhu cầu như mức cao nhất (tháng 12-2018) trước khi bệnh Dịch tả lợn châu Phi bùng phát. 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị.

Để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi - người phân phối - người tiêu dùng, từ cuối năm 2019, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép tăng cường nhập khẩu thịt lợn. Từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước đã nhập khẩu hơn 39.191 tấn thịt lợn và sản phẩm từ thịt lợn, tăng 312% so với cùng kỳ năm 2019.

Tại buổi làm việc,15/15 doanh nghiệp đã cam kết từ ngày 1-4 giảm giá thịt lợn xuống mức 70.000 đồng/kg; lộ trình đến cuối quý II sẽ xuống mức 65.000 đồng/kg và 60.000 đồng/kg.

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, cùng với thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, phải ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm cuộc sống người dân.

Việc giá thịt lợn hơi duy trì kéo dài hơn 80 nghìn đồng/kg từ cuối năm 2019 đã ảnh hưởng không nhỏ tới chỉ số giá tiêu dùng của cả nước. Thịt lợn là thực phẩm rất quan trọng, không thể thiếu được với đa số người dân Việt Nam; là nguồn sản xuất giúp người chăn nuôi có cuộc sống ổn định, tạo việc làm cho người dân. Trong hoàn cảnh khó khăn, suy giảm kinh tế, giảm thu nhập do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc phải mua thịt lợn với giá cao khiến đời sống người dân thêm khó khăn.

Do đó, việc giảm giá thịt lợn là trách nhiệm không chỉ về mặt kinh tế mà về mặt văn hóa, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, thể hiện tính nhân văn, cao hơn là trách nhiệm chính trị của các doanh nghiệp với đất nước. Vì vậy, nhiệm vụ hàng đầu của lĩnh vực chăn nuôi là phải giảm giá thịt lợn.

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý, trước hết, cần tiếp tục đẩy mạnh tăng nguồn cung phù hợp với nhu cầu của thị trường, Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ, ngành xây dựng kế hoạch phát triển ngành chăn nuôi nói chung, tăng mạnh đàn lợn trong thời gian tới nhưng không làm mất cân đối cung - cầu trong dài hạn bởi bài học phải “giải cứu” thịt lợn đến nay vẫn còn.

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với Bộ NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh việc nhập khẩu thịt lợn trong bối cảnh nguồn cung trong nước tạm thời bị thiếu hụt; đồng thời, rà soát khâu trung gian trong phân phối thịt lợn; ngăn chặn phát hiện, xử lý nghiêm tình trạng xuất khẩu lợn và sản phẩm thịt lợn trái phép.

Các doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi lợn thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về việc đưa giá lợn hơi xuất chuồng xuống mức 70.000 đồng/kg kể từ ngày 1-4 và tiếp tục giảm hơn nữa trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm giá thịt lợn là trách nhiệm xã hội, đạo đức, văn hóa của doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.