(HNM)- Thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp vẫn là một hạn chế lớn trong công tác cải cách hành chính (CCHC). Vì vậy, Chính phủ vừa ban hành nghị quyết chính thức đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) thuộc phạm vi quản lý của một số bộ, ngành, tạo sự phấn khởi cho người dân và doanh nghiệp.
Chịu thiệt vì thủ tục chưa hợp lý
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” phường Thành Công.
Cải cách TTHC được đặt ra từ lâu nhưng chỉ 3 năm gần đây khi thực hiện Đề án đơn giản hóa TTHC giai đoạn 2007-2010 (Đề án 30), vấn đề này mới thực sự trở thành một chương trình lớn, thực hiện trên phạm vi cả nước. Thực hiện đề án, hơn 5.500 TTHC đã được rà soát; hơn 450 thủ tục được kiến nghị bãi bỏ; hơn 3.700 thủ tục được kiến nghị sửa đổi; hơn 250 thủ tục được kiến nghị thay thế. Con số này cho thấy, nhiều năm qua, người dân và doanh nghiệp phải "bước qua" quá nhiều thủ tục thừa. Đáng chú ý là các thủ tục rườm rà lại liên quan nhiều đến các quyền lợi sát sườn của người dân và doanh nghiệp như: y tế, giáo dục, hải quan, đất đai, đầu tư... Chẳng hạn, muốn thực hiện thủ tục "Thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư", doanh nghiệp phải chuẩn bị 2 bộ hồ sơ, thành phần hồ sơ phải có từ 7 đến 11 yêu cầu, điều kiện, chưa kể phải cung cấp các văn bản liên quan khác; thành phần hồ sơ của thủ tục "chuyển quyền sở hữu căn hộ chung cư cao tầng do UBND cấp huyện cấp" cũng có tới 6 yêu cầu, điều kiện.
Theo kết quả khảo sát trực tuyến do Chương trình phát triển Liên hợp quốc và báo VietNamNet, trong 1.500 người dân thì có tới 67% số người cho rằng TTHC cần quá nhiều giấy tờ và 45% cho rằng thủ tục liên quan đến quyền sử dụng đất là phiền hà nhất. Hơn nữa, hệ thống các mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính trong hồ sơ TTHC do các cơ quan hành chính nhà nước ban hành còn thiếu thống nhất. Nhiều quy định về cơ chế, chính sách, TTHC không còn phù hợp với thực tế nhưng chậm được phát hiện, chậm điều chỉnh, sửa đổi, khắc phục và thời gian thực hiện của các cơ quan liên quan sai lệch quá nhiều so với quy định. Thực trạng này đã gây phiền hà, khó khăn cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp, tạo cơ hội cho nhũng nhiễu, tiêu cực phát triển. Tại các cuộc diễn đàn, trao đổi, không ít doanh nghiệp vẫn cho rằng, điều kiện kinh doanh tiếp tục là lực cản, trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chính các quy định không hợp lý đã làm ảnh hưởng, lỡ thời cơ và thiệt hại nhiều về kinh tế đối với doanh nghiệp.
Chính thức đơn giản TTHC
Đến nay, Chính phủ đã chính thức đơn giản hóa TTHC của các cơ quan: Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông Vận tải và Bảo hiểm xã hội Việt Nam… Đây thực sự là một bước ngoặt chuyển từ giai đoạn kiến nghị đơn giản hóa TTHC sang giai đoạn thực thi. Trong đó, nhiều TTHC được đơn giản hóa thông qua việc rút ngắn thời gian thực hiện, bỏ bớt thành phần hồ sơ, giảm bớt số lượng hồ sơ... nhằm tạo thuận lợi hơn cho nhân dân. Ngoài các thủ tục được bãi bỏ, một số thủ tục được đơn giản hóa bằng cách ghép nhiều thủ tục thành một thủ tục đơn giản, hiệu quả hơn. Tiêu biểu là thủ tục "Đăng ký tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)" đã được ghép từ 4 TTHC cũ là: Người sử dụng lao động đăng ký tham gia BHXH, BHYT bắt buộc và BHTN lần đầu; di chuyển nơi tham gia BHXH, BHYT bắt buộc và BHTN từ địa bàn khác đến; cấp sổ BHXH cho người tham gia BHXH bắt buộc và cấp thẻ BHYT cho đối tượng cùng tham gia BHXH, BHYT bắt buộc. Sau khi đơn giản hóa, đơn vị sử dụng lao động có thể lựa chọn nộp trực tiếp, nộp qua đường bưu điện hoặc qua internet (thay vì yêu cầu phải nộp hồ sơ trực tiếp tại BHXH cấp tỉnh như trước đây). Việc đơn giản hóa cũng đã cắt bỏ được những giấy tờ không cần thiết như thủ tục "Chỉ định tổ chức kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa" đã bỏ 3 loại giấy tờ trong thành phần hồ sơ; thủ tục "Đăng ký hoạt động dạy nghề đối với trung tâm dạy nghề công lập, tư thục" bỏ 5 loại giấy tờ. Đặc biệt, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) và Sở GTVT đã được bổ sung thẩm quyền đổi Giấy phép lái xe (GPLX) nên từ nay, người dân khi muốn đổi GPLX sẽ không phải mất thời gian quay lại đến đúng nơi đã cấp. Việc cải cách thủ tục này đặc biệt có ý nghĩa đối với những người đã di chuyển môi trường sống, đã chuyển chỗ ở, nơi làm việc từ địa phương này sang địa phương khác.
Theo ông Ngô Hải Phan, Tổ phó Thường trực Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ: "Phương án loại bỏ những TTHC và thành phần hồ sơ không hợp lý không chỉ giúp cắt giảm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC, mà còn nâng cao khả năng tiếp cận thông tin về TTHC của mỗi người dân, tạo điều kiện cho nhân dân giám sát việc thực hiện TTHC tại cơ quan hành chính các cấp". Sắp tới, Chính phủ sẽ tiếp tục thông qua phương án đơn giản hóa của các bộ, ngành còn lại. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả, các đơn vị cần nghiêm túc thực thi, đồng thời, không ngừng rà soát để sớm tìm ra sự bất hợp lý trong quá trình thực hiện giải quyết các TTHC, nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.